MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc ganh đua Mỹ - Trung giữa thời Covid-19

10-05-2020 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc chiến đổ lỗi dịch bệnh Covid-19 đang dần nóng lên, với một số quan chức Washington nói Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho dịch bệnh lần này.Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc cho rằng nước này che giấu thông tin liên quan Covid-19.

Trong năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc “sẽ nắm vai trò lãnh đạo chủ động trong công cuộc cải cách hệ thống chính trị toàn cầu”, nằm trong nỗ lực để xây dựng “cộng đồng các quốc gia vững mạnh, cùng chung mục đích hướng đến tương lai tốt đẹp cho loài người”.

Thông điệp đó thực sự không được nhiều người để ý cho đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến cho các quốc gia cũng như người dân trên thế giới cảm thấy bất an hơn bao giờ hết, cùng với đó là khả năng tái thiết lập trật tự quyền lực cũng như sức ảnh hưởng của các quốc gia trên quy mô toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là vai trò của Trung Quốc trong quá trình cải tổ hệ thống chính trị thế giới sẽ như thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là cơ quan “đứng mũi chịu sào” trong cuộc tranh luận căng thẳng này. WHO đóng góp vai trò quan trọng khi nắm giữ trọng trách điều phối cuộc chiến chống dịch bệnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ra sức chỉ trích WHO, cho rằng họ đã phớt lờ sự thật Trung Quốc hành động chậm trễ trong đối phó với dịch bệnh khi virus corona mới bùng phát tại thành phố Vũ Hán, thay vào đó lại luôn tán dương Bắc Kinh có những biện pháp hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh cho tới thời điểm hiện tại.

Những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về hoạt động của WHO càng trở nên rõ ràng hơn khi dịch bệnh Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, khiến cho khoảng 4 triệu người mắc và cướp đi sinh mạng của hơn 270.000 người, trong đó Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong lớn nhất trên thế giới. Đây đơn thuần chỉ là “một trận đánh” trong cuộc chiến dài hơi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Câu hỏi nữa đặt ra là ai sẽ chiến thắng.

“Mỹ hoàn toàn thất bại trong công cuộc lãnh đạo thế giới chống lại dịch bệnh Covid-19 nhưng Trung Quốc cũng chưa thể hoàn toàn khỏa lấp được khoảng trống đó, giống như những gì mà Bắc Kinh kỳ vọng”, theo Richard Gowan, giám đốc cơ quan nghiên cứu International Crisis Group của Liên Hợp Quốc tại Bỉ.

“Washington đang nỗ lực để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên tổ chức quốc tế sau dịch bệnh nhưng các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và các khu vực khác đều tránh việc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh dù nhiều quốc gia trong số đó liên tục phản đối những quan điểm của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc”.

Ông đang ám chỉ đến cách Trung Quốc áp dụng nhằm gia tăng sức ảnh hưởng lên Liên Hợp Quốc trong vài năm trở lại đây khi trở thành quốc gia đóng góp nhiều thứ hai cho ngân sách cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này. Chính điều đó giúp Trung Quốc có đến 4 lãnh đạo đứng đầu trong tổng số 15 cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, trong khi con số của Mỹ chỉ là 1.

Điều này bắt đầu diễn ra khi Washington dừng các hoạt động tài trợ và từ chối tham gia các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Quốc gia này cũng chính thức đơn phương rút khỏi các thỏa thuận song phương như thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ cũng đã bỏ ngỏ các cuộc họp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì không hài lòng với cách thức tổ chức này đang hoạt động.

Trong khi những hành động của chính quyền Tổng thống Trump dường như đang góp phần tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của Trung Quốc, nhưng với Bắc Kinh, mọi chuyện có vẻ không diễn ra một cách “êm đẹp” như thế.

Trung Quốc luôn mong gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế trong thời kỳ sau đại dịch, nhưng để lấy được sự tin tưởng từ cộng đồng quốc tế, họ cần phải rất lưu tâm đến mối quan hệ với các quốc gia châu Âu, theo Pang Zhongying, chuyên gia cấp cao tại viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.

“Trung Quốc không nên cố áp đặt lập trường ngoại giao của họ lên các quốc gia châu Âu trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng”, ông cho biết.

“Nếu chúng ta nói chúng ta tiếp tục ủng hộ WHO và đang theo đuổi một giải pháp toàn cầu, sau đó, sẽ biết việc làm nào có thể giúp liên kết các quốc gia lại với nhau. Hành động một cách quá nóng vội có thể hủy hoại mọi nỗ lực từ trước tới giờ. Quy luật này tương tự đối với các tổ chức, chúng ta không nên mang quan điểm chính trị ích kỷ khi tiếp cận với những tổ chức đó”.

Cuộc ganh đua Mỹ - Trung giữa thời Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.


Trung Quốc đã sẵn sàng?

Ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến đổ lỗi dịch bệnh Covid-19 đang dần nóng lên, với một số quan chức Washington nói Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho dịch bệnh lần này.

WHO trở thành tiêu điểm của nhiều chỉ trích khi tán dương những hành động của Trung Quốc là “minh bạch” cho dù quốc gia này chậm trễ đưa ra những cảnh báo về việc dịch bệnh có thể dễ dàng lây từ người sang người. Những lời chỉ trích thậm chí còn nhắm thẳng đến tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người trở thành lãnh đạo WHO sau khi được Trung Quốc hậu thuẫn vào năm 2017.

“Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về việc liệu Trung Quốc đã sẵn sàng đảm nhận trong trách lãnh đạo thế giới mà quốc gia này luôn tìm kiếm hay chưa?”, theo Kristine Lee, thành viên công ty tư vấn Centre for a New American Security, trụ sở tại Washington.

“Chúng tôi đã nhìn thấy những ‘mối họa’ căn bản khi Bắc Kinh đang hoàn toàn thiếu đi sự minh bạch và thiếu khả năng lãnh đạo các quốc gia khác tại các tổ chức quốc tế như WHO”.

Để mô tả sự giận dữ của Tổng thống Trump đối với WHO, Lee cho biết trong giữa tháng 4, Mỹ đã dừng tài trợ tài chính cho tổ chức này nhằm đánh giá những động thái của WHO đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích cơ quan này “được hậu thuẫn nhiều nhất từ Mỹ nhưng lại tỏ ra thân Trung Quốc”.

Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO khi cung cấp hơn 400 triệu USD, tương đương 15% tổng ngân sách của tổ chức này năm 2019.

Dù hứng nhiều chỉ trích, WHO cũng nhận được không ít sự ủng hộ từ nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có tỷ phú Bill Gates khi ông viết trên Twitter rằng thế giới cần WHO hơn bao giờ hết, và cho rằng việc cắt giảm nguồn tiền tài trợ cho tổ chức này là “hết sức nguy hiểm”. Gates đã đầu tư hàng tỷ USD vào các chương trình chăm sóc sức khỏe thông qua tổ chức do chính ông và vợ thành lập, Quỹ Bills và Melinda Gates, trong đó bao gồm công tác phát triển vắc xin chống lại các căn bệnh truyền nhiễm.

Tổng giám đốc WHO Tedros cũng lên tiếng yêu cầu các quốc gia hãy gạt những tham vọng chính trị sang một bên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông phát biểu ngày 8/4 rằng “Mỹ và Trung Quốc nên cùng sánh bước, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”.

Các nhà phân tích chính trị cho biết rằng sự công kích của Tổng thống Trump nhắm vào WHO là đòn “đánh lạc hướng” những chỉ trích dành cho Washington vì đã chậm trễ trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh, khiến Mỹ trở thành quốc gia có số lượng người tử vong do Covid-19 lớn nhất trên thế giới, vượt cả Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát. Khi Tổng thống Trump nỗ lực chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào cuối năm, việc đổ lỗi cho Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành một “chiến lược”.

Trung Quốc phản ứng về quyết định dừng tài trợ WHO của ông Trump bằng thông báo rằng quốc gia này sẽ tăng đóng góp thêm 30 triệu USD nữa cho WHO, sau khi gửi khoản tiền lên đến 20 triệu USD đến tổ chức trong tháng 3. Năm ngoái, Trung Quốc đóng góp cho WHO tổng số tiền khoảng 86 triệu USD, tăng 52% so với năm 2014.

Cuộc ganh đua Mỹ - Trung giữa thời Covid-19 - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN.


Tháng 3, Mỹ thúc giục Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc bao gồm 15 thành viên thường trực và không thường trực ủng hộ quan điểm đổ lỗi cho Trung Quốc khi để virus corona phát tán, cáo buộc đã ngay lập tức bị Bắc Kinh phủ nhận. Một cuộc họp trực tuyến giữa các lãnh đạo G20 cũng bị hoãn vào phút chót do những bất đồng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh chủ đề vai trò của WHO.

Bắc Kinh phủ nhận tất cả chỉ trích cho rằng quốc gia này cố ý để dịch bệnh lây lan, bên cạnh đó còn nhấn mạnh vai trò của chính phủ Trung Quốc trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh đồng thời là sự trợ giúp y tế cho nhiều quốc gia khác.

Trung Quốc hỗ trợ y tế cho hơn 120 quốc gia và các tổ chức quốc tế. Quốc gia này thậm chí còn cử đội ngũ bác sĩ ra nước ngoài. Các quan chức Trung Quốc cho biết những biện pháp phòng chống dịch bệnh của quốc gia này “giúp các nước khác nhanh chóng và hiệu quả hơn khi chống chọi với dịch bệnh”.

Mỹ lại tỏ ra không đồng tình với quan điểm trên, và cùng với Canada và Australia, Washington cho rằng một cuộc đánh giá toàn diện sau đại dịch đối với WHO là điều vô cùng cần thiết.

Australia cho biết quốc gia này sẽ khởi xướng một cuộc điều tra tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng tổ chức y tế thế giới, cơ quan đưa ra các quyết định lên quan đến WHO, trong tháng tới, sau khi đã xuất hiện những nghi ngại liên quan đến công bố về nguồn gốc Covid-19 và số lượng các ca nhiễm bệnh thực tế của Trung Quốc.

Trung Quốc từng từ chối lời kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế độc lập. Chen Wen, một cán bộ ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Anh, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng “những yêu cầu về một cuộc điều tra như vậy đều có động cơ chính trị”. Đại sứ Trung Quốc tại Australia cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế.

‘Giật lùi’

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng từ trước khi dịch bệnh xảy ra và minh chứng điển hình nhất là cuộc chiến tranh thương mại kéo dài dai dẳng suốt hai năm.

Harsh Pant, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tại Observer Research Foundation, có trụ sở tại New Delhi, cho biết dịch bệnh đã làm tổn hại đến uy tín của WHO, nhưng đây chỉ là một phần hệ quả gây các hệ thống chính trị toàn cầu, vốn được ra đời kể từ sau Thế Chiến II.

“Câu hỏi đặt ra ở đây là về sự lãnh đạo. Chỉ trong một vài năm trước, nhiều người còn cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành lãnh đạo của thế giới, nhưng quan điểm đó đã nhanh chóng tan biến, đặc biệt là sau khủng hoảng dịch bệnh lần này”, ông cho biết.

“Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là thành viên của các tổ chức quốc tế vì không có cách nào khác để có thể loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi, vì chúng ta sẽ không thể đủ sức chống lại những thách thức mang tính toàn cầu. Nhưng vị thế của Trung Quốc chắc chắn sẽ không còn như trước nữa”.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một bước lùi liên quan đến những lùm xùm xung quanh WHO, theo Pang Zhongying tại ISEAS. “Việc Tedros đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc của WHO, một người được coi là ủng hộ Trung Quốc, thực chất là ‘gánh nặng’ cho Trung Quốc”.

“Trung Quốc chắc chắn sẽ ở một ví thế khó khăn hơn trong tương lai khi các tổ chức quốc tế lựa chọn ra những lãnh đạo mới. Các quốc gia khác sẽ cảnh giác hơn”.

Điều này trên thực tế đang xảy ra. Daren Tang Heng Shim, người Singapore, trong tháng 3 đã được bầu giữ vị trí giám đốc điều hành của tổ chức Sở hữu trí tuệ Liên Hợp Quốc do được Mỹ hậu thuẫn, đánh bại ứng cử viên đến từ Trung Quốc cho dù Bắc Kinh đã rất tích cực vận động hành lang.

Sẽ có nhiều hơn những trường hợp như vậy xảy ra, theo Pant, đến từ Observer Research Foundation. “Trung Quốc sẽ rất vất vả nếu như tiếp tục làm theo cách này, cũng giống như những gì đã xảy ra trong vài năm vừa qua”.

Theo Trọng Đại

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên