Cuộc họp chính sách cuối cùng của FED năm 2023: Khoảnh khắc ‘cân não’ của Chủ tịch Jerome Powell
Chủ tịch FED Jerome Powell
Thách thức đối với Chủ tịch FED Jerome Powell trong tuần này là thị trường chứng khoán không tin vào những cảnh báo cân nhắc bổ sung tăng lãi suất.
- 10-12-202310 tỷ phú ‘vớ bẫm’ nhờ chứng khoán thăng hoa
- 10-12-2023Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Thời điểm FED cắt giảm lãi suất sẽ là “cơn địa chấn”, tốt nhất nên chờ bằng chứng thuyết phục hơn
- 10-12-2023Một tín hiệu “cực hiếm” vừa loé sáng, S&P 500 có cơ hội vượt 5.400 điểm, cao hơn mọi dự báo lạc quan nhất
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell sẽ phải đối mặt với một quyết định khó khăn trong tuần này nhằm duy trì tính linh hoạt trong kế hoạch chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ. Quyết định sẽ được đưa ra trong bối cảnh gia tăng áp lực về việc tiết lộ thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) chuẩn bị cho cuộc họp cuối cùng của năm 2023 vào ngày 12-13/12, Chủ tịch Powell phải đối mặt với một bức tranh kinh tế ngày một hỗn tạp. Thị trường lao động đang phục hồi và chi tiêu tiêu dùng ổn định. Trong khi đó, một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chậm lại và lạm phát hạ nhiệt.
Trong bối cảnh đó, FED dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp sau cuộc họp chính sách, ở mức cao nhất trong vòng 22 năm là 5,25% - 5,5%.
Nhưng từ khi các quan chức dừng tăng lãi suất từ tháng 7, họ chưa tự tin để phát biểu rằng lãi suất đã đủ chặt để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Các quan chức cũng chưa sẵn sàng thảo luận công khai chi tiết hơn về các trường hợp cắt giảm phí lãi vay vào năm tới, ngoài việc nói về áp lực giá cả đã được cải thiện.
Thách thức đối với Chủ tịch Jerome Powell trong tuần này là thị trường chứng khoán không tin vào những cảnh báo của ông. Ông đã phát tín hiệu rằng việc thắt chặt tiền tệ bổ sung vẫn đang được cân nhắc. Các nhà đầu tư lại tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại đủ để không cần tăng thêm lãi suất nữa. Hơn thế, họ tin rằng dữ liệu sắp tới sẽ buộc FED phải cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.
Suy nghĩ này khiến các điều kiện tài chính trong những tuần gần đây được nới lỏng. Tâm lý lạc quan cũng làm dấy lên lo ngại rằng những nỗ lực của FED trong việc giảm nhu cầu tiêu dùng trở thành công cốc.
Cựu cố vấn cấp cao cho ban thống đốc FED Ellen Meade cho biết cảm giác như FED đã xong việc, trừ những diễn biến bất ngờ. Nhưng rủi ro thì luôn tồn tại nên họ phải cảnh giác với điều đó. “Đây là thời điểm nhạy cảm, vì điều kiện tài chính rất quan trọng trong vấn đề này”, bà nói.
Chủ tịch Powell sẽ có thêm cơ hội nhắc lại thông điệp của FED tại cuộc họp báo vào ngày 13/12. Dự kiến ông sẽ lại nhấn mạnh rằng còn “quá sớm” để tuyên bố rằng một chính sách cắt giảm đang được tiến hành, ngay cả khi lạm phát ở mức vừa phải. Ông cho biết ngân hàng trung ương cam kết sẽ hành động “cẩn trọng” với những quyết định sắp tới.
Trước khi Chủ tịch Jerome Powell lên bục phát biểu, FED sẽ đưa ra một tuyên bố chính sách. Đi kèm với đó là bộ dự báo kinh tế, tổng hợp dự đoán của các quan chức về lãi suất, tăng trưởng, thất nghiệp và lạm phát.
Nhìn chung, các nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên tuyên bố, tức là vẫn sẽ bao gồm một dòng nêu rõ các điều kiện mà FED xem xét để xác định “mức độ củng cố chính sách bổ sung phù hợp để đưa lạm phát về mức 2% theo thời gian”.
Các chuyên gia lập luận rằng nếu họ loại bỏ điều này, đó có thể là một tín hiệu thẳng thừng cho thấy FED thực sự đã hoàn thành giai đoạn tăng lãi suất trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ lịch sử của mình.
Về các dự báo từ tháng 9, lãi suất quỹ liên bang có thể đạt đỉnh 5,5% - 5,75% trong năm nay trước khi giảm nửa điểm phần trăm vào năm 2024. Các nhà kinh tế sẽ theo dõi sát sao để xem liệu các quan chức có cắt giảm thêm hay không.
Việc duy trì mức độ cắt giảm tương tự vào năm tới sẽ giúp làm rõ vấn đề rằng FED sẽ không đảo ngược lộ trình một cách đột ngột, ngay cả khi giá tiêu dùng ở mức vừa phải. Một số nhà kinh tế dự đoán một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm bổ sung vào năm 2024 sẽ được thực hiện để ghi nhận lạm phát đã có phần lành tính hơn.
Cựu nhân viên cấp cao Matthew Raskin của FED New York, hiện đang là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất của Mỹ tại Deutsche Bank, cho biết việc dự đoán cắt giảm sâu hơn thế có thể làm FED bị rối.
Deutsche kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 1,75 điểm phần trăm vào năm tới, bắt đầu từ tháng 6. Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley cũng tin rằng FED sẽ bắt đầu hạ lãi suất, nhưng chỉ 1 điểm phần trăm trong suốt năm 2024.
Mặc dù FED có thể chưa sẵn sàng tiết lộ manh mối về sự thay đổi chính sách, nhưng các quan chức sẽ linh hoạt khi tiếp cận giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống lạm phát. Chủ tịch Powell đã ám chỉ điều này trong lần xuất hiện gần nhất trước công chúng vào tháng 12. Ông nói rằng cách tiếp cận của FED là “để dữ liệu tiết lộ con đường phù hợp”.
Cố vấn cấp cao Constance Hunter tại MacroPolicy Perspectives cho biết: “Họ sẽ không chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng và bỏ qua xu hướng trung lập. Những gì họ muốn làm là đạt được lập trường [đó] nhanh nhất có thể trong phạm vi dữ liệu lạm phát cho phép. Bởi vì họ biết rằng độ trễ chính sách vẫn chưa phát huy hết tác dụng và chúng vẫn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế”.
Theo Financial Times
Nhịp Sống Thị Trường
Sự kiện: Chuyện của FED
Xem tất cả >>- Mỹ sắp công bố dữ liệu lạm phát cuối cùng cho cuộc họp chính sách tuần sau: Fed có thể ‘quay xe’ dừng cắt giảm lãi suất nếu con số này tăng bất ngờ
- Biên bản cuộc họp Fed tháng 11 được công bố: Quan chức ủng hộ tiếp tục cắt giảm lãi suất nhưng ‘lặng thinh’ về quyết định tháng sau
- Thước đo lạm phát then chốt sắp được công bố trong tuần này: Fed liệu có tạm hoãn cắt giảm lãi suất?
- Fed quyết định ra sao với lãi suất vào năm 2025: 2 yếu tố này quyết định tất cả
- Chủ tịch Jerome Powell dội gáo nước lạnh vào khả năng cắt giảm lãi suất tháng 12: ‘Fed không cần vội vàng’