Cuộc khủng hoảng của xe hơi Đức: Từ niềm tự hào trở thành gánh nặng cho toàn nền kinh tế
Xe hơi Đức từng là biểu tượng cho sự xa xỉ cũng như địa vị xã hội. Thế nhưng mọi chuyện đang dần thay đổi
- 08-09-2024Từng ‘soi’ biển số để theo dõi giờ đi làm của nhân viên, Bill Gates sững người hối hận vì một câu nói của bạn thân Warren Buffett
- 08-09-2024Nền kinh tế lớn nhất thế giới cần chú ý: Một chỉ báo suy thoái đã nhấp nháy cảnh báo trong tuần qua
- 08-09-2024Cựu CEO Amazon đang thay đổi cuộc chơi: Chi phí bay lên Mặt Trăng sẽ rẻ hơn 100 lần?
Hãng tin CNBC cho hay ngành công nghiệp ô tô của Đức từng được cả thế giới công nhận nhờ những chiếc xe động cơ đốt trong chất lượng cao, hiện đại và sang trọng.
Việc sở hữu một chiếc ô tô Đức thậm chí từng là biểu tượng xa xỉ cũng như địa vị xã hội. Những nhà sản xuất ô tô Đức từng được coi là động lực phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi.
Ví dụ gần đây nhất là hãng Volkswagen đã thông báo khả năng đóng cửa nhà máy tại quê hương Đức và thậm chí là phải chấm dứt thỏa thuận bảo đảm việc làm với lao động địa phương có hiệu lực từ năm 1994.
Theo kế hoạch ban đầu, thỏa thuận bảo vệ việc làm này sẽ có thời hạn đến tận năm 2029.
"Các nhà sản xuất ô tô Đức vốn là những người dẫn đầu thị trường công nghệ xe hơi, không có đối thủ trong ngành suốt gần 140 năm và hầu như không phải lo lắng về doanh số bán hàng hay cạnh tranh thì nay lại đang phải đối mặt với một tình huống bết bát cực kỳ xa lạ", giám đốc Andreas Ries của KPMG nói.
Vậy vì đâu ngành xe hơi Đức lại nên nông nỗi này?
Kẻ ho, người ốm
Số liệu của Viện IFO cgo thấy niềm tin của ngành xe hơi Đức đã liên tục suy giảm trong những năm gần đây.
Kết quả mới nhất vào tháng 8/2024 cho thấy tâm lý toàn ngành đã giảm xuống mức âm 24,7 điểm và IFO cho biết kỳ vọng kinh doanh của toàn ngành xe hơi Đức trong 6 tháng tới là "cực kỳ bi quan".
Xin được nhắc rằng không riêng gì Volkswagen đang phải gồng mình với khó khăn mà hàng loạt những tên tuổi lớn của Đức khác cũng lâm vào cảnh tương tự.
Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Mercedes cho thấy hãng đã phải hạ dự báo biên lợi nhuận thường niên, trong khi BMW cho biết biên lợi nhuận của phân khúc ô tô trong quý II/2024 thấp hơn dự kiến.
Thương hiệu Porsche thì phải hạ triển vọng kinh doanh năm 2024 với lý do "thiếu hụt các hợp kim nhôm đặc biệt cho sản xuất".
Theo CNBC, những khó khăn trong ngành ô tô đang tác động lan rộng đến toàn bộ nền kinh tế Đức, vốn bắt đầu tiến tới lâm vào suy thoái từ đầu năm nay. Tổng sản phẩm quốc nội (GNP) của Đức trong quý II/2024 đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
"Câu nói ‘Khi ngành ô tô Đức bị ho thì toàn nền kinh tế Đức bị cảm cúm’ đã mô tả rất đúng tình hình hiện nay", giám đốc Ries của KPMG nhận định.
Giám đốc Ries cho hay ngành công nghiệp ô tô Đức không chỉ bao gồm những công ty lớn mà còn bao gồm hàng nghìn doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trên toàn quốc, biến ngành này thành mảng công nghiệp quan trọng nhất nền kinh tế.
Vì đâu nên nỗi?
Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) cho biết những hậu quả từ đại dịch Covid-19 cũng như căng thẳng địa chính trị đã ảnh hưởng nặng đến ngành xe hơi nước này.
Thế rồi nhu cầu nội địa yếu do tình hình kinh tế Đức khó khăn cũng tác động đến doanh số.
Tuy nhiên, 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc và sự dịch chuyển sang xe điện trên toàn cầu.
Giám đốc Horst Schneider của bộ phận nghiên cứu ô tô Châu Âu tại Bank of America nhận định tình hình ngành xe hơi Đức vẫn rất "hỗn loạn khi xe điện của họ có doanh số kém hơn dự kiến".
Trong khi thị trường ô tô Trung Quốc đang phục hồi thì các hãng xe Đức lại không nhận được nhiều lợi ích từ đà phục hồi này. Nhu cầu xe hơi Đức thấp hơn dự kiến và sự cạnh tranh quá lớn từ các thương hiệu ô tô điện địa phương đã làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn.
Tồi tệ hơn, thị phần của xe Đức tại Trung Quốc đang mất dần vào tay đối thủ do giá đắt, trong khi sản phẩm xe điện địa phương rẻ hơn, thiết kế đẹp mắt, công nghệ tiên tiến và nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ.
Tiếp đó, căng thẳng xung quanh các rào cản thuế quan giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) cũng khiến ngành xe hơi Đức chịu ảnh hưởng.
"Các nhà sản xuất xe hơi Đức rất dễ chịu ảnh hưởng từ bất ổn chính trị thương mại. Trước đây, khoảng 40-50% thu nhập của ngành ô tô Đức đến từ Trung Quốc thì nay thị trường này bắt đầu co lại. Dù các hãng xe Đức cố gắng phát triển xe điện để bắt kịp xu hướng nhưng lại không cạnh tranh nổi, không có lợi nhuận bằng xe xăng, tạo nên một khó khăn kép cho toàn ngành", giám đốc Schneider cho hay.
Theo Schneider, nếu thu nhập của người dân Trung Quốc vẫn cao như trước thì tình trạng trên không đến nỗi quá tệ, "nhưng vì thu nhập của người dân cũng đang giảm nên chúng đè nặng áp lực lên doanh thu và biên lợi nhuận của các hãng xe hơi".
Trong khi đó, việc chính phủ Đức chấm dứt chương trình trợ cấp xe điện cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với đối thủ quá mạnh từ Trung Quốc.
Tương lai mịt mờ
Giám đốc Ries của KPMG cho rằng ngành xe hơi Đức vẫn còn một số hy vọng, ví dụ công nghệ xe Hybrid có thể sẽ được sử dụng lâu hơn dự kiến và doanh số bán ô tô động cơ đốt trong đang có xu hướng tăng trở lại.
Tuy nhiên theo ông Ries, nước Đức cần có sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp nếu muốn vực dậy toàn ngành xe hơi để trở lại thời hoàng kim như trước đây.
Hiện các hãng xe điện Trung Quốc đã bỏ khá xa đối thủ về công nghệ, nguồn cung ứng, giá cả cũng như thiết kế.
Thậm chí tâm lý bi quan của nhà đầu tư với các hãng xe Đức càng khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn với ngành công nghiệp từng được coi là niềm tự hào của cả nền kinh tế.
Bởi vậy để có thể cạnh tranh được với đối thủ, các doanh nghiệp Đức sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn chỉ là việc tăng thuế nhập khẩu với xe Trung Quốc.
*Nguồn: CNBC
Nhịp Sống Thị Trường