Cuộc sống ở nơi ô nhiễm không khí nhất thế giới
Mỗi mùa Đông đến, thủ đô New Delhi (Ấn Độ), lại chìm trong khói bụi và ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của hơn 30 triệu dân.
Vấn đề còn nghiêm trọng hơn với người nghèo vì họ không có khả năng tiếp cận với dịch vụ chất lượng.
Cái chết ở trong không khí
Trong cảnh khói bụi ô nhiễm bao trùm thủ đô New Delhi, chị Gola Noor phụ giúp chồng đẩy chiếc xe gỗ chất đầy rác thải đi khắp các ngả đường. Vừa đi, vợ chồng chị vừa ho sù sụ.
Dưới bầu trời mù sương, cặp đôi rời nhà từ 6 giờ sáng, thu gom phế liệu trong những khu nhà giàu nổi tiếng ở Delhi. Đôi khi họ dừng lại nghỉ ngơi để lấy sức và cố gắng hớp lấy những ngụm không khí sạch.
“Cái chết đang ở trong không khí. Không khí có vị đắng khiến chúng tôi ho liên tục”, anh Shabaz, chồng chị Noor nói.
Trước đó, vợ anh phải điều trị trong bệnh viện vì mắt ngứa, đỏ, chảy nước liên tục. Thế nhưng thay vì nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế ra đường theo lời dặn của bác sĩ, chị Noor lập tức quay lại làm việc cùng chồng. “Chết vì đói còn kinh khủng hơn chết từ từ vì khó thở”, chị nói.
Trong gần 3 tuần, thủ đô New Delhi bị bao phủ trong những lớp khói bụi ô nhiễm đến mức có thể gây chết người. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại đây là 1,7 nghìn, cao gấp 17 lần so với ngưỡng an toàn là 50 - 100. Không khí chứa cái loại bụi dạng hạt, có đường kính từ 2,5 micron trở xuống, có thể đi vào cơ thể qua đường phổi, gây ra các bệnh chết người và các vấn đề về tim.
Ấn Độ coi ô nhiễm không khí là “vấn đề y tế khẩn cấp”. Các trường học tại New Delhi đã đóng cửa khi tầm nhìn trên đường giảm xuống mức thấp nhất là 50m. Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động ở New Delhi đã trở thành câu chuyện quen thuộc với người dân nơi đây.
Tình trạng trên ngày càng trở nên tồi tệ trong thập kỉ qua. Đợt sương mù dày đặc kéo dài nhiều tháng vào mùa Đông. Hơn 30 triệu người dân New Delhi phải đối mặt với các bệnh nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch và hô hấp, thậm chí dẫn đến ung thư. Ô nhiễm không khí cũng thay đổi cách mọi người sống tại thành phố, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong một xã hội vốn đã bất bình đẳng sâu sắc.
Nỗi sợ trực trào
Chị Noor khẳng định không ai ngoài người dân sống ở New Delhi có thể hiểu được ý nghĩa của việc “cảm nhận cái chết qua từng hơi thở”. Ngồi giữa một đống rác với ruồi bâu quanh, người phụ nữ 40 tuổi phân chia nhựa ra từ rác thải. Noor không ngửi thấy mùi hôi thối của thức ăn thối rữa nhưng lại khó chịu vì khói bụi xung quanh.
Mùa Đông 2 năm trước, Rukhasana, con gái chị Noor, 15 tuổi, mắc phải một căn bệnh bí ẩn khiến cân nặng tụt giảm nghiêm trọng. Cả nhà thức trắng đêm vì những cơn ho của cháu và chạy vạy tiền khắp nơi để khám bệnh. Rukhasana được chẩn đoán mắc bệnh lao. Dù phục hồi nhanh chóng nhưng mỗi mùa Đông, căn bệnh lại tái phát.
Chị Noor nói: “Thành phố này đang chết dần chết mòn vì xe của người giàu nhưng họ sẽ được cứu vì họ có tiền. Giống như trong dịch Covid-19, họ đã sống sót. Một người nghèo như tôi thì nên đi đâu?”.
Có nhiều lý do khiến New Delhi gần như không bao giờ có bầu trời trong xanh, từ khí thải ô tô, khói từ các khu công nghiệp và việc nông dân đốt rơm rạ ở ngoại ô thành phố. Những loại khói này hợp nhất thành một thứ khói bụi đặc quánh, xám ngoét, bao trùm lên toàn bộ thủ đô và đe doạ cuộc sống của người dân nơi đây.
Tác động “không công bằng”
Theo nghiên cứu của tạp chí Y khoa Anh, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra gần 2,18 triệu ca tử vong mỗi năm tại Ấn Độ. Còn Đại học Chicago (Mỹ) cảnh báo hơn 510 triệu người dân sống ở miền Bắc Ấn Độ, chiếm gần 40% dân số nước này, sẽ tiêu hao trung bình 7,6 năm cuộc đời vì ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, với người dân Ấn Độ nói chung, các gia đình nghèo sẽ chịu tác động nặng nề hơn do ô nhiễm không khí gây ra - theo nghiên cứu năm 2021 của PGS Narashimo Rao, chuyên gia tại Trường Môi trường thuộc Đại học Yale (Mỹ).
“Vấn đề không phải là tác động của ô nhiễm không khí lên sức khoẻ cộng đồng mà là sự công bằng. Phân tích về mức độ mọi người đang góp phần gây ô nhiễm, so với mức độ họ phải chịu đựng ô nhiễm cho thấy một tình cảnh cực kì bất công.
Người giàu có khả năng ứng phó với ô nhiễm tốt hơn. Nếu đi ngoài đường bụi, họ có thể kéo cửa kính xe ô tô và tận hưởng hơi lạnh từ điều hoà. Ngược lại, người nghèo phải chịu tổn thương nặng nề hơn vì họ phơi nhiễm trực tiếp với ô nhiễm”, ông Rao phân tích.
Theo chuyên gia này, vào mùa Đông, chính quyền địa phương và Chính phủ Ấn Độ đều đưa các biện pháp phòng trừ khói bụi như phun nước, hạn chế xe vào thành phố. Chính quyền thành phố cấm các công trình xây dựng không cần thiết và hạn chế xe tải di chuyển. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã ban hành lệnh ở nhà nhằm hạn chế số lượng người và xe cộ lưu thông, góp phần đáng kể vào ô nhiễm.
Xe bồn chở nước đi quanh thành phố để phun nhằm giảm khói bụi. Một số khu vực triển khai máy quét làm sạch bụi. Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyết tình hình ngắn hạn thay vì xử lý tận gốc nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Cách khu ổ chuột của gia đình Noor 40 phút lái xe, chị Bhavreen Khandari sống cùng hai con gái trong một căn nhà sang trọng ở Defence Colony, khu dành cho người giàu. Khandari là nhà bảo vệ môi trường, đồng sáng lập Warrior Moms, tổ chức tư nhân ủng hộ không khí trong lành cho thế hệ tiếp theo.
Cô nhớ lại những mùa Đông khi mình còn nhỏ: “Mùa Đông trong tiếng Ấn Độ là Diwali, có nghĩa là sự khởi đầu của lễ hội. Đây là thời gian mà chúng tôi sẽ ra đường đi chơi cùng gia đình. Nhưng bây giờ, mùa Đông có nghĩa là u ám, là sợ hãi đến cùng cực”.
Nhiều phụ huynh nói với Khandari rằng con cái họ nghĩ rằng, khi mùa Đông đến, chúng sẽ được nghỉ học vì ô nhiễm. Từ 5 - 6 tuổi, trẻ em đã thuộc tên thuốc kháng sinh mà các em phải uống hàng ngày. Một đứa trẻ biết máy xông khí dung là gì và tại sao phải sử dụng nó.
“Dậy sớm đi bộ là tốt nhưng bây giờ, nó sẽ giết chết bạn. Ra ngoài chơi đùa là tốt nhưng bây giờ, nó sẽ giết chết con cái của bạn”, Khandari nói.
Ngày 14/11, khi Ấn Độ kỉ niệm “Ngày Thiếu nhi”, Khandari và các phụ huynh khác đã biểu tình bên ngoài văn phòng của Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, ông JP Nadda, với một lời kêu gọi: “Không khí trong lành cho tất cả mọi người”. Vậy nhưng, cảnh sát đã chặn họ lại. Không một lời cam kết hay phản hồi nào được đưa ra.
Ở dưới “địa ngục”
Vào giữa những năm 1970, cha mẹ của Sheikh Ali chuyển đến New Delhi để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái. 5 thập kỉ sau, không có nhiều thay đổi. Cả hai đều qua đời, còn con họ, ông Ali, làm nghề kéo xe ở khu phố Dilshad Garden.
Người đàn ông 67 tuổi sống cùng 11 thành viên khác trong một căn nhà 2 phòng ngủ, ngay cạnh cống thoát nước. Ban ngày, căn nhà được trưng dụng làm cửa hàng tạp hóa nên mọi người phải tản mát đi khắp nơi. Ali không nhớ nhiều về cuộc sống cũ ở vùng nông thôn nhưng ông nhớ không khí trong lành và cảm giác chạy chân trần trên những đồng cỏ.
Bất cứ khi nào bầu trời chuyển sang màu xám xịt, có mùi tro, ông sẽ kể cho các con, các cháu về tuổi thơ của mình. “Ô nhiễm tại Delhi ngày càng tồi tệ. Ngực tôi lúc nào cũng có cảm giác nóng rát. Ở trong nhà cũng không dễ chịu hơn vì không khí đặc quánh trong không gian. Nó đi theo tôi mọi nơi, mọi lúc”, ông Ali mô tả.
Suốt 2 tuần qua, cháu trai 11 tháng tuổi của Ali bị ho, hắt hơi và chảy nước mắt. Thuốc giúp cháu thấy khoẻ hơn trong 2 ngày rồi bệnh lại tái phát. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm trên dẫn đến chi phí sinh hoạt càng tăng cao.
Theo báo cáo của tổ chức khí hậu IQAir, Thuỵ Sĩ, Nam Á là khu vực ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới. Nguyên nhân là do “lò gạch và khí thải đến từ các khu công nghiệp, hoạt động đốt chất thải nông nghiệp hay hoả táng”. Báo cáo cho biết thêm việc đốt nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm, đặc biệt trong những tháng lạnh giá, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.
Tại Bangladesh, ước tính có khoảng 8 nghìn lò gạch, trong đó nhiều cái hoạt động bất hợp pháp. Việc đốt rác thải nhựa và khói xe cũng góp phần làm giảm chất lượng không khí. Trong mùa đốt rơm rạ, khói từ Ấn Độ, Nepal hay Pakistan thậm chí có thể trôi sang Bangladesh.
Vị trí địa lý của Nam Á cũng góp phần tích tụ ô nhiễm. Các chất độc hại xuất phát từ đồng bằng Ấn - Hằng, bao gồm Bangladesh, một phần lớn miền Đông Pakistan, hầu hết miền Bắc, Đông Ấn Độ và miền Nam Nepal. Khói bụi trộn lẫn với các chất ô nhiễm được gió biển thổi vào và bị mắc kẹt bởi dãy Himalaya nằm ở phía Bắc.
Trước tình trạng trên, IQAir khuyến nghị chính phủ các nước đầu tư cho các sáng kiến năng lượng tái tạo, hỗ trợ các phương tiện sạch hơn, cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi bộ và cấm các hoạt động đốt nông nghiệp.
Mỗi khi nhìn cháu trai, Ali muốn rời cả nhà về làng quê dù ông chưa biết sẽ kiếm sống bằng cách nào. Gia đình họ đang cố gắng tiết kiệm tiền để chuyển về quê trong năm sau.
“Sống và kiếm tiền ở Delhi như thể ở dưới địa ngục vậy”, ông Ali than thở.
Giáo dục và thời đại