Cuộc ‘tháo chạy’ còn tiếp diễn tại khu đất đấu giá Thủ Thiêm?
Theo ý kiến của chuyên gia, việc doanh nghiệp liên tục bỏ cọc sau khi trúng đấu giá gây náo loạn thị trường, ảnh hưởng tới nhà đầu tư thực và nhiều hệ lụy kéo theo.
- 09-02-2022Thực hư việc Bình Minh bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm
- 09-02-2022Một khu công nghiệp ở Hưng Yên được mở rộng hơn 180ha với vốn đầu tư 100 triệu USD
- 09-02-2022Hưng Yên duyệt quy hoạch cụm công nghiệp gần 50ha
Bỏ cọc sau phiên đấu giá "bất thường"
Thông tin từ Cục thuế TP. HCM ngày 8/2 đã nhận được văn bản của Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh xin không tiếp tục thực hiện dự án ở lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2) đã trúng đấu giá với 5.026 tỷ đồng, Lý do công ty này đưa ra là do tình hình Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên không đủ vốn để đầu tư vào lô đất đã trúng đấu giá. Lô đất này thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Như vậy, đến 8/2 chỉ còn 2 doanh nghiệp chưa có bất kỳ động thái gì là Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) phải đóng 3.820 tỉ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Mức giá mà công ty này trúng thầu cao gấp 6,6 lần giá khởi điểm.
Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở. Giá trúng thầu cao gấp 6,9 lần so với giá gốc.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cuộc đấu giá này kết thúc với giá khá bất thường.
"Đây được coi là cuộc chơi của những doanh nghiệp không nhằm mục đích ở cuộc đấu giá này, mà hướng tới nhiều mục tiêu khác, tạo ra hệ lụy không hay cho thị trường. Thực tế, ngay sau cuộc đấu giá thành công, thị trường đã "nổi sóng", gây bất ổn cho thị trường bất động sản", vị chuyên gia nói.
Ông Đính cũng cho rằng, nếu không xử lý vụ việc một cách nghiêm túc sẽ có những tiền lệ không hay và những cuộc đấu giá không minh bạch, không trung thực lại tiếp tục diễn ra. Trong đó, cách tốt nhất để hạn chế những tiền lệ không tốt từ các cuộc đấu giá cao bất thường thì chế tài hữu hiệu nhất là cần đánh mạnh vào nghĩa vụ người tham gia đấu giá khi trúng.
Theo ông Trần Xuân Lượng - Tiến sĩ chuyên ngành bất động sản - Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, việc doanh nghiệp liên tục bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là hiệu ứng domino. Hiệu ứng này đang ảnh hưởng xấu tới nhà đầu tư thật, tạo ra nhiều hệ lụy cho thị trường, không chỉ ở Thủ Thiêm và các khu vực lân cận khác.
“Việc phán xét ai là "đấu thật", ai "đấu ảo", khó có thể đánh giá những nhà đầu tư bỏ cọc tiếp theo là có chủ ý hay không. Bởi thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá ở Thủ Thiêm trước đó đã tạo ra những xáo động tới những nhà đầu tư xung quanh và hệ lụy cho thị trường bất động sản”, TS. Trần Xuân Lượng nói.
Theo ông Lượng, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc rõ ràng dẫn theo nhiều hệ lụy. Nhiều doanh nghiệp đi đấu giá để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn đương nhiên họ sẽ tiếp tục bỏ cọc theo và cả khi nhà đầu tư có tầm nhìn xa, "đấu thật" thì cũng bị hoang mang, bị ảnh hưởng, phải đánh giá lại phương án kinh doanh, thậm chí là chấp nhận bỏ cọc.
Đánh giá năng lực doanh nghiệp tham gia đấu giá đất
TS. Trần Xuân Lượng cho rằng, bất động sản là "hàng hóa đặc biệt", có giá trị lớn và mang tính xã hội cao. Do đó, đối với hoạt động đấu giá đất đai, Nhà nước cần có quy định bổ sung, không để tình trạng "thích thì mua, không thích thì bỏ".
Thị trường bất động sản tại Thủ Thiêm bị ảnh hưởng sau đấu giá.
"Nếu doanh nghiệp bỏ cọc, ngoài việc mất cọc thì hình thức bổ sung là ghi hồ sơ lịch sử đấu giá, hoặc xử phạt bổ sung. Cá biệt, nếu xuất hiện những dấu hiệu thổi giá, làm méo mó thị trường thì có thể quy phạt hình sự…", ông Lượng nêu quan điểm.
Đánh giá về quy định hiện nay, ông Lượng cho rằng, mức cọc từ 20% so với giá khởi điểm là phù hợp. Bởi lẽ, với sản phẩm giá trị thấp là bình thường nhưng 20% giá trị bất động sản là rất lớn.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, ngoài số tiền đặt cọc phải nộp, cần có những quy định ràng buộc đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá. Trong đó, việc thẩm định hồ sơ, năng lực, kinh nghiệm, lịch sử đấu giá của doanh nghiệp tham gia đấu giá, đặc biệt là thẩm định năng lực về tài chính, nguồn huy động vốn, kinh nghiệm đầu tư các dự án tương tự… nhằm hạn chế thấp nhất hoặc loại bỏ các doanh nghiệp "quân xanh, quân đỏ". Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp đấu giá cam kết trách nhiệm, nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp đó.