MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cường quốc xuất khẩu lương thực' Brazil sắp... chết đói vì đại dịch Covid-19

11-05-2021 - 08:12 AM | Tài chính quốc tế

'Cường quốc xuất khẩu lương thực' Brazil sắp... chết đói vì đại dịch Covid-19

Trong khi Brazil có thêm 20 tỷ phú lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2021 thì 60% dân số nước này lại đang đói ăn.

Vốn là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch Covid-19, Brazil đang phải gồng mình chống chọi với những hậu quả mà căn bệnh này để lại mà một trong số đó là nạn đói.

Số liệu được công bố bởi Mạng lưới nghiên cứu an ninh dinh dưỡng và lương thực Brazil cho thấy hơn 116 triệu người dân nước này đang phải đối mặt với tình trạng đói khát. Trong đó, 43 triệu người không có đủ lương thực hàng ngày và đến 19 triệu người đang bị bỏ đói.

Giới truyền thông địa phương cho biết hầu hết lương thực tại đây đều tăng giá và các gia đình chỉ đang cầm cự qua ngày với số thức ăn ít ỏi, nhiều người còn bị bỏ đói thời gian dài.

Cường quốc xuất khẩu lương thực Brazil sắp... chết đói vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Một báo cáo khác của Tổ chức nghiên cứu lương thực (FJRG) cho thấy 59,3% người dân Brazil, tương đương 125,6 triệu người tại đây đang phải đối mặt với tình trạng đói ăn. Tồi tệ hơn, việc thiếu lương thực khiến người dân phải tìm cách lấp đầy bụng chống đói bằng những thứ kém chất lượng, qua đó đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển lâu dài.

Trên thực tế, chỉ số đói nghèo của Brazil đã lên mức cao nhất kể từ năm 2004 còn số người bị bỏ đói đã tăng 100% so với năm 2018. Tại tất cả các thành phố lớn, người già, phụ nữ và trẻ em xếp hàng nhiều giờ liền mỗi ngày chỉ để nhận chút gạo và hàng cứu trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Hình ảnh những đứa trẻ bới rác kiếm đồ ăn chẳng còn xa lạ với Brazil, điều vốn chỉ thấy tại Venezuela trong cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó.

Cường quốc lương thực... đói ăn

Brazil vốn là một nước xuất khẩu lương thực lớn tại Nam Mỹ và họ cũng có một nền kinh tế khá mạnh. Thế nhưng cách chống dịch kém hiệu quả đang khiến ngày càng nhiều người Brazil phải ra đường xin ăn hoặc bới rác.

Năm 2020, Quốc hội Brazil thông qua khoản cứu trợ cho 66 triệu người dân Brazil trong diện cần hỗ trợ với 110 USD mỗi người. Thế nhưng vào tháng 9/2020, con số này bị cắt giảm xuống chỉ còn 42 triệu người với 50 USD hỗ trợ với lý do thâm hụt ngân sách.

Việc dịch bệnh lây lan mạnh khiến giá thực phẩm lên cao còn người dân mất thu nhập đã đẩy phần lớn người trung lưu và tầng lớp nghèo vào cảnh khốn khó, đói ăn. Báo cáo của Viện thống kê IBGE cho thấy giá lương thực tại đây đã tăng 15% trong 1 năm qua. Giá một kg gạo cũng đã tăng gần 70% trong khi đỗ đen, khoai tây, thịt, sữa và dầu đậu nành cũng tăng cao.

Điều trớ trêu là Brazil đứng đầu thế giới về hàng loạt mặt hàng thực phẩm xuất khẩu. Đây là nước sản xuất và xuất khẩu đường, cà phê, nước cam lớn nhất thế giới. Họ chiếm 30% thị phần cà phê thô toàn cầu và tiêu thụ đến 50% nước cam trên toàn thế giới mỗi ngày.

Cường quốc xuất khẩu lương thực Brazil sắp... chết đói vì đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Tốc độ tăng giá gạo tại Brazil

Đây cũng là quốc gia xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 toàn cầu về xuất khẩu đậu nành và thứ 3 về ngô.

Người giàu càng giàu

Một điều trớ trêu nữa đang diễn ra là những người giàu tại Brazil ngày càng giàu bất chấp đa phần người dân phải xếp hàng xin lương thực hoặc bới rác kiếm ăn. Bảng xếp hạng tỷ phú năm 2021 của tạp chí Forbes tính đến tháng 4/2021 đã thêm 20 tỷ phú của Brazil vào danh sách. Tổng số 65 tỷ phủ của Brazil nằm trong danh sách này nắm giữ tới 220 tỷ USD tài sản.

Theo đánh giá của giới truyền thông, chưa bao giờ Brazil lại có số tỷ phú tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy. Tổng tài sản của 20 tỷ phú mới được vào danh sách của Forbes là 21,2 tỷ USD.

Không chỉ ngày một giàu hơn, giới đại gia Brazil còn keo kiệt hơn khi tỷ lệ tiết kiệm tại nước này đứng ở mức 15% năm 2020, cao nhất trong 5 năm qua theo số liệu của IBGE mà nguyên nhân chủ yếu là do người giàu ít chịu chi tiền.

Khoảng 1,4 triệu người giàu tại Brazil, đại diện cho 1% dân số giàu nhất nước chiếm đến 28,3% tổng thu nhập toàn quốc, cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng rõ trong xã hội quốc gia này.

Tính đến thời điểm hiện tại, Brazil đã ghi nhận hơn 15 triệu ca nhiễm Sars nCov2 với hơn 422.000 người chết. Tuy nhiên theo các chuyên gia, số người bị chết đói trong thời gian tới của Brazil có thể còn tăng vượt số người chết bệnh nếu chính phủ không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Nguồn: The Wire

Theo Hoàng Thùy

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên