Cựu CEO Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện kháng cáo bất thành
Nguyễn Thái Luyện bị bác kháng cáo, buộc chấp hành án tù chung thân. Vợ của bị cáo Luyện là Võ Thị Thanh Mai được giảm 9 năm tù.
- 11-05-2023Vợ chồng Nguyễn Thái Luyện nói không còn tài sản để khắc phục hậu quả
- 10-05-2023Người bỏ 2.400 tỷ đồng bồi thường thay cho Nguyễn Thái Luyện có nhận được đất từ Alibaba?
- 08-05-2023Lý do vợ Nguyễn Thái Luyện không đến toà
Hôm nay (19/5), tại phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM, xét xử vụ vợ chồng bị cáo Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch Công ty cổ phần địa ốc Alibaba – Công ty Alibaba) và các bị cáo, bị hại trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, xảy ra tại Công ty Alibaba, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tiến hành tuyên án.
Bản án tuyên bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi, Chủ tịch Công ty Alibaba) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, giữ nguyên mức án tù chung thân mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện) được giảm 4 năm tù trong tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (án sơ thẩm tuyên 16 năm tù) và giảm 5 năm tù với tội danh “Rửa tiền” (án sơ thẩm tuyên 7 năm tù). Tổng hợp hình phạt bị cáo Mai chấp hành là 23 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực (em bị cáo Luyện) bị phạt 22 năm tù (giảm 5 năm tù) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Một số bị cáo còn lại được HĐXX cấp phúc thẩm giảm từ 1 – 2 năm tù.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 pháp nhân rồi bán các dự án không có thật, chiếm đoạt hơn 2.466 tỷ đồng của khách hàng. Để thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Thái Luyện dùng các thủ đoạn gian dối, thực hiện theo 5 bước. Cấp sơ thẩm tuyên phạt Luyện và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội.
Trong vụ án này, cấp phúc thẩm vẫn xác định Nguyễn Thái Luyện chủ mưu, cầm đầu. Vợ bị cáo Luyện là bị cáo Võ Thị Thanh Mai và các bị cáo khác là đồng phạm giúp sức tích cực cho Luyện chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Về tội danh “Rửa tiền”, HĐXX phúc thẩm lập luận rằng, bị cáo Võ Thị Thanh Mai và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) biết trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn gốc số tiền gần 13 tỷ đồng do phạm tội mà có nhưng khi biết Luyện bị bắt đã tìm cách rút ra khỏi tài khoản công ty. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Mai nhận ra được hành vi sai phạm của mình và đã khắc phục hậu quả nên HĐXX cho rằng cần xử mức thấp nhất của khung hình phạt.
Về việc giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo, cấp phúc thẩm cho rằng, tại tòa phúc thẩm, nhiều bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, đây là tình tiết mới. Một số bị cáo trong vụ án không có kháng cáo nhưng theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, những người này có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tòa cũng xem xét sửa án sơ thẩm.
Đối với kháng cáo của các bị hại yêu cầu nhận đất, HĐXX phúc thẩm nhận thấy toàn bộ diện tích đất mà Nguyễn Thái Luyện mua xuất phát từ số tiền bị cáo này chiếm đoạt của các bị hại và cần kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án nên không có cơ sở để xem xét yêu cầu nhận đất.
Đối với 58 trường hợp được bản án sơ thẩm tuyên cho nhận đất nhưng không có kháng cáo. HĐXX phúc thẩm xét thấy cấp sơ thẩm tuyên giao đất cho các trường hợp này là không có căn cứ, đề nghị TAND tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Phiên tòa phúc thẩm được mở sau khi bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên vào tháng 12/2022 có kháng cáo của bị cáo Luyện cùng vợ và 16 bị cáo, cùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 97 bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại phần dân sự.
Tiền phong