MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết có đủ tiền bồi thường cho các bị hại?

24-07-2024 - 09:55 AM | Doanh nghiệp

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ước tính số tài sản bị kê biên phong tỏa lên tới 4.800-5.000 tỷ đồng, đủ để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án.

Trong ngày 23/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát (VKS) và luật sư đối với các bị cáo trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Phần xét hỏi diễn ra nhanh chóng vì hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi và đồng ý với nội dung cáo trạng quy kết.

Luật sư đặt câu hỏi: "Với 2 tội danh bị quy kết, ông Quyết sẽ phải bồi thường khoảng 4.300 tỷ đồng. Vậy ngoài tài sản bị phong toả, bị cáo còn tài sản khác để đảm bảo hay không?".

Trịnh Văn Quyết đáp: "Trong trường hợp HĐXX tuyên bị cáo phải khắc phục số tiền trên, bị cáo xin được dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong tỏa để khắc phục". Cựu Chủ tịch FLC cho biết, số tài sản ước chừng gần 5.000 tỷ đang bị phong toả là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp của ông.

"Bị cáo tha thiết mong được tạo điều kiện, gỡ phong tỏa để khắc phục", Trịnh Văn Quyết bày tỏ và cho hay, bị cáo mới được tạo điều kiện để bán "đứa con tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airways. Số tiền thu được gần 200 tỷ đồng đã được gia đình dùng khắc phục hậu quả vụ án. Còn 500 tỷ đồng mà đối tác sẽ thanh toán cũng sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.

"Nếu bị kết luận phải có trách nhiệm đối với số tiền nêu trên, bị cáo sẵn sàng chấp nhận phán quyết của hội đồng xét xử, và luôn mong muốn được khắc phục hoàn toàn. Tôi cũng mong muốn nhận hết trách nhiệm cho những bị cáo liên đới khác", ông Quyết bày tỏ.

photo-1721789781914

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa ngày 23/7. Ảnh: Danh Lam/VNE

Luật sư hỏi, nếu toàn bộ tài sản vẫn không đủ khắc phục, bị cáo có phương án nào khác? Trịnh Văn Quyết đáp, bị cáo tự tin có thể khắc phục được toàn bộ số tiền này. Trước khi xét xử, bị cáo đã động viên người nhà vay mượn, nộp thêm được 23 tỷ đồng và trong thời gian toà xét xử, bị cáo nhờ người nhà cố vay thêm 25,1 tỷ đồng nữa.

"Bị cáo kính đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị cáo có cổ phần được hoạt động bình thường, tạo điều kiện để cổ phiếu của các doanh nghiệp này có thể giao dịch bình thường. Bị cáo xin HĐXX cho tôi có cơ hội sớm quay trở lại cộng đồng để tiếp tục làm việc, có thể nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả", Trịnh Văn Quyết nói.

Bị cáo nói bản thân không có ý lừa đảo của nhà đầu tư. Khi quyết định mua lại Công ty Faros, ông chỉ muốn gây dựng công ty này thành "thương hiệu" cho FLC.

"Có thời điểm cổ phiếu của Faros lên gần 200.000 đồng, bị cáo không bán, nhưng tại thời điểm dịch COVID-19, vì khó khăn mà phải bán giá 2.000-3.000 đồng", bị cáo khai và khẳng định, giá trị Faros lớn hơn thế vì là công ty lớn đã và đang triển khai nhiều dự án lớn tại nhiều tỉnh.

"Bị cáo không bao giờ muốn bán cổ phiếu Faros, nhưng khó khăn vì dịch nên phải bán. Sau khi giải quyết khó khăn, tôi sẽ mua lại, nhưng chưa thực hiện được thì tháng 3/2022 đã bị bắt", ông Quyết nói thêm.

Trước đó, theo cáo trạng, VKS cáo buộc ông Quyết thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros, là công ty dược ông mua lại năm 2011, vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng.

Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền, đùng chứng từ góp vốn giả để nâng khống vốn. Kết quả sau 2 năm, 2014-2016, Faros có 4.300 tỷ vốn điều lệ, song hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".

Ông Quyết sau đó tiếp tục chỉ đạo lo lót để Faros vượt qua ba vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết cũng chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC, dùng 500 tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè họ hàng, để mua đi bán lại số lượng lớn, tạo cung cầu ảo, chi phối thị trường. Song tất cả các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền cấp khống bởi BOS - công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái FLC.

Sau 5 năm "tạo sóng" và "úp sọt" hơn 60.000 nhà đầu tư, ông Quyết bị cáo buộc thu lợi hơn 700 tỷ đồng.

Theo Phong Lâm

Báo Công thương

Trở lên trên