MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Hoa Kỳ chia sẻ những sai lầm và bài học cho các nhà làm Luật Việt Nam

Một doanh nghiệp có thị phần lớn nhưng chưa chắc đã có sức mạnh thị phần. Khái niệm "sức mạnh thị trường" và "thị phần" cần được phân biệt rõ, theo ông Terry Calvani.

Terry Calvani là cựu Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ. Với nhiều năm kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến cạnh tranh, ông là một trong những chuyên gia được tham vấn, lấy ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi).

Ông Terry Calvani đưa ra nhiều điều cần lưu ý đối với Việt Nam, trong đó đáng chú ý là vấn đề đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh, bằng những sai lầm mà ông và các cộng sự đã vấp phải trong quá trình giải quyết tại Mỹ. Đó là câu chuyện về thị phần.

Vị cựu Chủ tịch này cho biết ông và các đồng sự ở Mỹ đã có thời "phát cuồng" với cụm từ này, coi nó là thước đo kỳ diệu để đánh giá tác động trên thị trường. Tuy nhiên, đã có sự vụ khiến những người ở Uỷ ban Thương mại Hoa Kỳ suy nghĩ lại.

"Một trong những vụ việc tôi phải xử lý khi mới đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Công bằng của Hoa Kỳ là điều tra một công ty có mức thị phần rất cao. Qua sơ bộ ban đầu, chúng tôi thấy rằng có sự vi phạm pháp luật nếu cần kết hợp thị phần", ông Terry Calvani nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sau khi điều tra kỹ hơn, Uỷ ban nhận thấy dù thị phần rất cao nhưng để gia nhập ngành này thì lại rất dễ dàng, không hề có rào cản gia nhập thị trường. Cụ thể ở đây là không đòi hỏi nhiều vốn, kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ lao động. Ví dụ, lao động phổ thông của công ty này chỉ cần 1 tháng đào tạo là có thể tham gia sản xuất hay người điều hành cũng chỉ qua 1 tuần.

"Có thể thấy mặc dù thị phần của công ty này rất cao nhưng lại không hề có sức mạnh thị trường. Như vậy nếu chúng ta chỉ tập trung vào thị phần thì không có được cái nhìn chính xác", ông Terry nhận xét.

Các yếu tố cần quan sát thêm là mức độ gia nhập thị trường khó hay dễ. Ví dụ như rào cản gia nhập, rào cản thoát ra khỏi thị trường.

Thị phần dù là công cụ hữu ích nhưng không phải tiêu chí kỳ diệu, ông Terry bình luận và cho rằng nó là khởi điểm quan trọng để đánh giá vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp cũng như tác động của cuộc mua bán – sáp nhập.

"Con số về thị phần không phải là kết luận cuối cùng", ông nhấn mạnh. Bởi ngoài những yếu tố trên thì ngưỡng thị phần ở các ngành khác nhau là khác nhau, không thể đồng nhất.

Vì cũng có những có vấn đề khác liên quan đến thị phần chúng ta quy định thị phần đó ở ngưỡng nào, con số nào nhất là khi chúng ta thấy mỗi một thị trường, một ngành con số thị phần có thể khác nhau.

Do vậy, thị phần tuy là một tiêu chí đánh giá, suy đoán sức mạnh thị trường nhưng ông Terry cũng lưu ý "phải là những giả định có thể bác bỏ".  Tức doanh nghiệp nếu đưa ra được bằng chứng chứng minh là giả định sai thì sẽ bác bỏ.

Tiếp theo, ông Terry lưu ý về "vị trí thống lĩnh tập thể của một nhóm doanh nghiệp" bởi đây cũng là vấn đề phức tạp, gây tranh cãi nhiều nhất ở các nước. Thậm chí, những năm gần đây, Liên minh châu Âu không đưa ra được vụ việc nào về cái gọi là vị trí thống lĩnh tập thể.  

"Như vậy phần quy định đó là cung nhưng trên thực tế mọi người không có hướng dẫn cụ thể để thực hiện và cũng thường bỏ qua nội dung này", ông góp ý.

Một vấn đề nữa được vị Chủ tịch này khuyến nghị với Ban sửa đổi Luật Cạnh tranh là cách diễn đạt. Cụm từ "có khả năng gây ra thiệt hại", theo ông là chưa rõ lắm về xác suất xảy ra các tác động phản cạnh tranh.

"Cho dù diễn đạt như thế nào thì đều phải làm toát lên sự cân nhắc xác suất xảy ra, nói cách khác là xác suất xảy ra phải cao hơn không xảy ra. Có nhiều điều có thể xảy ra nhưng xác suất của nó không cao", ông Terry cho biết.

Ấn định giá bán lại là một ví dụ điển hình. Nó có thể có tác động hạn chế cạnh tranh, thủ đẩy cạnh tranh hoặc không có tác động gì, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.

Góp ý cuối cùng của ông Terry trong phần đánh giá tác động cạnh tranh là vấn đề "định giá nhằm huỷ diệt đối thủ". Ông đặt câu hỏi tiêu chí đánh giá là gì, sử dụng thước đo chi phí nào cho phù hợp. Quy định dưới giá thành toàn bộ đang được phía Việt Nam sử dụng khiến ông tỏ ra băn khoăn.

"Đây là nội dung Hoa Kỳ đã từng gặp phải rất nhiều sai lầm", ông cho biết và lý giải rằng trước đó nước Mỹ đã dùng thước đo gây tranh cãi là "chi phí tổng thể trung bình - ATC". Sau những phản biện của các chuyên gia kinh tế, nay toà án và các cơ quan thực thi pháp luật đã sử dụng chi phí khả biến (AVC) như là một thước đo thay thế cho chi phí cận biên. Ông cho biết cần phải tập trung vào chi phí của doanh nghiệp định giá huỷ diệt chứ không phải chi phí của doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, ông Terry cũng khuyến nghị Việt Nam cân nhắc bổ sung thêm điều kiện "tăng giá trong tương lai nhằm bù đắp tổn thất thiệt hại" khi nói đến định giá huỷ diệt của doanh nghiệp. Vì đấy là bước tiếp theo của chiến lược giá của các doanh nghiệp định giá huỷ diệt.

"Tôi nghĩ đây là nội dung quan trọng cần cân nhắc. Nếu không quy định trong luật cũng cần quy định ở văn bản dưới luật", ông Terry Calvani nói.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên