Cứu doanh nghiệp qua hấp thụ vốn: Bài toán khó cho ngân hàng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Nếu không tạo điều kiện cho tín dụng, sẽ khó có tăng trưởng. Song, nếu “tháo” điều kiện tín dụng thì nợ xấu lại tăng. Các ngân hàng “đứng giữa 2 dòng nước”, vừa phải bảo đảm an toàn nợ xấu, vừa phải chia sẻ, đồng hành doanh nghiệp vượt khó.
- 14-08-2023Chuyên gia dự báo chi phí vốn của VPBank sẽ giảm dần từ quý 4, 2023
- 14-08-2023Ngân hàng nào dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên vốn chủ?
- 11-08-2023NHNN: Thông tư 06 không siết vốn vào bất động sản
Sức hấp thụ vốn yếu
Tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm", Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết nền kinh tế đang hết sức khó khăn, nhiều trở ngại, thách thức đang gây áp lực lớn với các doanh nghiệp.
Theo ông Tú, theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do "di chứng" của đại dịch Covid-19 gây ra; 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng; 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.
“Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ".
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Ông Tú cho biết, sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp trong vòng từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng.
"Với tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ", ông Tú nói.
“Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế và giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành ngân hàng”, ông Tú nói.
Thách thức lớn
Tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, hiện nay vẫn có những "điểm nghẽn" trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.
Về nguyên nhân, theo đại diện CIEM, do vẫn còn một số hạn chế tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa hiệu quả. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Thảo cũng dẫn chứng thêm, đơn cử như liên quan đến vấn đề chậm hoàn thuế VAT. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay không đủ điều kiện vay vì nợ xấu, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Do đó, để giải quyết được bài toán vĩ mô này cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn", TS Thảo nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong khi Chính phủ và NHNN quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên.
Lấy dẫn chứng về vấn đề hoàn thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nếu một doanh nghiệp xuất khẩu mà đọng vốn hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng thì chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây không phải là trường hợp hy hữu của một vài doanh nghiệp, mà rất nhiều ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng xuất khẩu, như nông sản.
"Hiện tại, tốc độ của quyết định hành chính quá chậm so với quyết định kinh doanh. Rất nhiều dự án đầu tư kéo dài hàng năm trời, nhiều nhà máy chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng kế hoạch vì trục trặc ở khâu này, khó ở khâu khác", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tiền phong