Cựu Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler: Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, cơ sở hạ tầng hay công nghệ mà chính là giới trẻ
Phát biểu trong phiên khai mạc Vietnam Business Summit (VBS) 2017, ông Philipp Rösler - Giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nhấn mạnh giới trẻ mới là nguồn lực lớn nhất của Việt Nam.
Trong phiên khai mạc VBS, ông Rösler cho rằng: “Tính đến nay, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, cơ sở hạ tầng hay công nghệ mà chính là giới trẻ”. Tuy nhiên, tài sản này cần sự phối hợp hiệu quả giữa lĩnh vực công tư để có thể khai thác hiệu quả nhất.
Theo ông Rösler, nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã thăng hạng nhiều trong báo cáo của các tổ chức kinh tế toàn cầu. Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của Việt Nam cũng được nhìn nhận tốt hơn. Đó là nhờ vai trò của lĩnh vực công.
Để đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, trách nhiệm của khu vực công là tạo ra khung pháp lý thuận lợi. Sau đó, chính lãnh đạo của doanh nghiệp phải tận dụng được những điều đó để thuê công nhân làm việc và tăng lợi nhuận. Ở Việt Nam, trong suốt những năm qua có sự hợp tác tuyệt vời giữa khu vực công – tư. Đây là cách đúng đắn để nâng cao sự tăng trưởng.
Nhằm nhấn mạnh hơn về việc khai thác lợi thế giới trẻ, ông Rösler chia sẻ: “Tôi từng phụ trách mảng đào tạo nghề ở Đức. Đây là hình mẫu thể hiện hợp tác công tư mạnh mẽ như thế nào. Mọi miêu tả về công việc ở đều được chính phủ điều chỉnh thông qua luật trong khi phần mô tả chi tiết công việc là của doanh nghiệp. Phối hợp công tư, thảo luận để xác định nhu cầu và công việc trước khi đặt vào khung pháp lý để điều chỉnh, cả công và tư”.
Nói rõ hơn về mô hình ưu việc này, ông Rösler cho biết mỗi tuần, công nhân đến công ty làm việc 3 ngày nhưng được nhận lương cho 5 ngày. Những ngày còn lại, họ tham gia các khóa đào tạo nghề. Đằng sau chương trình đào tạo nghề này chính là thành công giữa hợp tác công và tư.
“Nâng cao năng lực của thanh niên là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, khu vực công cần phối hợp với khu vực tư để làm được điều đó. Giới trẻ cũng là tài sản Việt Nam đáng tự hào và có thể là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Rösler nói.
Philipp Rösler sinh năm 1973 tại Việt Nam trước khi được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi. Năm 2006 ông lần đầu quay trở lại thăm Việt Nam và trở lại vào năm 2012 tới Việt Nam với vai trò Bộ trưởng Kinh tế Đức nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước. Năm 2014 ông quay trở lại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa WEF và Việt Nam.
Tháng 5/2011, Rösler chính thức được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do và trở thành Phó thủ tướng Đức. Tuy nhiên, tháng 9/2013, ông từ chức khỏi cương vị này cùng tuyên bố sẽ từ bỏ mọi hoạt động chính trị. Tháng 12/2013, báo chí Đức đưa tin ông không còn là Bộ trưởng Kinh tế của nước này. Ông cũng chuyển tới sống ở Genf, Thụy Sĩ để tập trung vào vai trò mới trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: APEC Việt Nam 2017
Xem tất cả >>- Phó Thủ tướng "bật mí" về đêm trắng ở APEC
- Tổng thống Mỹ Donald Trump lúng túng khi bắt tay chéo
- APEC 2017: "Tổ chức tuyệt vời, chủ đề thực tế"
- APEC qua góc nhìn của 4 vị đại sứ
- Nguyên Trưởng đoàn đám phán Hiệp định Việt Mỹ phân tích "cơn gió thương mại" ngược chiều của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình