MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu quyền lực số 7 TQ Trương Cao Lệ: Từ đứa bé nghèo đến người nhiều lần "lĩnh ấn" ông Tập

04-11-2021 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Ông Trương Cao Lệ từng giữ chức Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ được mô tả như một quan chức có phong cách thực dụng, ít gây tranh cãi, và để lại dấu ấn ở những nơi từng làm việc như Quảng Đông, Sơn Đông, Thiên Tân...

Ông Trương từng ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của Huawei, góp phần để dựng tượng Đặng Tiểu Bình được đặt ở Thâm Quyến và đưa ra khẩu hiệu sinh thái "bầu trời xanh hơn, mặt đất xanh hơn và nước sạch hơn".

Ông Trương từng nhiều lần tuyên bố nguyên tắc "ba không" về trong sạch, liêm khiết của mình. Khi còn giữ chức Tỉnh trưởng Sơn Đông, ông này mô tả việc làm quan nghĩa là "làm cái ô che mưa, che nắng cho dân; làm trâu bò cuốc đất, cày ruộng cho dân; làm viên đá dò đường, bắc cầu cho dân".

Từ đứa bé nghèo đến nhân vật quyền lực

Trương Cao Lệ sinh năm 1946 trong một gia đình nông dân nghèo ở Tấn Giang, Phúc Kiến vào năm 1946. Ông Trương là con trai út trong gia đình, khi chưa đầy 3 tuổi thì cha mất và được mẹ nuôi nấng. Cuộc sống của Trương Cao Lệ khi còn nhỏ rất khó khăn.

Được biết đến với sự siêng năng và kiên trì, Trương Cao Lệ đã được nhận vào trường Trung học Kiều Thanh Tấn Giang và sau đó được nhận vào Khoa Kinh tế của Đại học Hạ Môn với kết quả xuất sắc. Trương Cao Lệ không giấu giếm xuất thân nghèo khó của mình.

Nhiều năm sau đó, khi phụ trách Thiên Tân, ông này cũng kể về thời thơ ấu của mình với các giáo viên và sinh viên của Đại học Nam Khai.

Cựu quyền lực số 7 TQ Trương Cao Lệ: Từ đứa bé nghèo đến người nhiều lần lĩnh ấn ông Tập - Ảnh 1.

Ngày 9/3/1984, Trương Cao Lệ (giữa) tại nhà máy lọc dầu của Công ty Công nghiệp Dầu khí Mậu Danh. Hơn nửa năm sau, ông kiêm nhiệm chức Phó Bí thư Thành ủy Mậu Danh và bắt đầu dấn thân vào con đường chính trị. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tháng 8/1970, Trương Cao Lệ tốt nghiệp đại học giữa lúc Cách mạng Văn hóa diễn ra và được phân về Tổng kho của Bộ phận Hậu cần Công ty Dầu khí Mậu Danh Quảng Đông thuộc Bộ Dầu khí, đảm nhận vị trí phu khuân vác, công việc mỗi ngày phải vận chuyển 50kg xi măng.

Trương Cao Lệ làm việc trong doanh nghiệp quốc doanh lớn này trong 14 năm, đến sau Cách mạng Văn hóa được thăng chức từ Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của công ty lên Bí thư Đảng ủy Nhà máy lọc dầu Công ty Công nghiệp Dầu khí Mậu Danh.

Vào tháng 10/1984, Trương Cao Lệ giữ chức Giám đốc Công ty Công nghiệp Dầu khí Mậu Danh thuộc Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc Sinopec kiêm Phó Bí thư Thành ủy Mậu Danh, và bắt đầu bước vào con đường chính trị.

Cựu quyền lực số 7 TQ Trương Cao Lệ: Từ đứa bé nghèo đến người nhiều lần lĩnh ấn ông Tập - Ảnh 2.

Ngày 15/11/2012, các ông Tập Cận Bình, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang, Lý Khắc Cường, Du Chính Thanh và Vương Kỳ Sơn (từ trái sang phải) đã được bầu làm Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ.

Kể từ đó, sự nghiệp của Trương Cao Lệ rất "thuận buồm xuôi gió", liên tiếp đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Kinh tế tỉnh Quảng Đông, Phó tỉnh trưởng, Bí thư Thành ủy Thâm Quyến, Tỉnh trưởng Sơn Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư Thành ủy Thiên Tân.

Từ năm 2007 đến 2012, Trương Cao Lệ được bầu vào Bộ Chính trị Trung Quốc, giữ chức Bí thư thành ủy Thiên Tân.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 18 của ĐCSTQ tháng 11/2012, ông này được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 7 thành viên - cơ quan quyết sách quyền lực nhất của Trung Quốc, do ông Tập Cận Bình đứng đầu.

Tại kỳ họp vào tháng 3/2013, Trương Cao Lệ được Nhân dại Toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc bầu giữ chức Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.

Tháng 10/2017, Trương Cao Lệ thôi giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sau Đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ, và thôi giữ chức Phó Thủ tướng, chính thức nghỉ hưu vào năm 2018.

Ủng hộ sự phát triển của Huawei

Tháng 1/1998, khi Trương Cao Lệ bắt đầu kiêm nhiệm chức Bí thư Thành ủy Thâm Quyến, đúng là lúc cuộc khủng hoảng tài chính đang hoành hành khắp châu Á và Hồng Kông vừa được trao trả về cho Trung Quốc.

Trương Cao Lệ tập trung thu hẹp khoảng cách giữa Thâm Quyến và Hồng Kông, thúc đẩy sự hợp tác giữa Thâm Quyến và Hồng Kông, đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của các công ty công nghệ tư nhân như Huawei và ZTE; đề xuất và thúc đẩy tổ chức Hội chợ công nghệ cao Thâm Quyến mà sau này nổi tiếng trong và ngoài nước Trung Quốc; cải tạo cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây dựng Thâm Quyến thành thành phố xanh quốc tế, và cũng đi đầu trong việc cải cách thể chế. Nhờ đó, Thâm Quyến đã vững vàng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Trương Cao Lệ dường như có sự chú ý đặc biệt đối với Huawei. Tại Diễn đàn Cấp cao Phát triển Trung Quốc tổ chức vào tháng 3/2017, Trương Cao Lệ cho biết, trong số 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới, Trung Quốc chỉ có một mình Huawei.

Nhiều lần làm đặc phái viên của ông Tập

Từ khi Trương Cao Lệ bước chân vào chính trường, có rất ít tranh cãi, thành tích chính trị và tinh thần hoạt động thực tiễn của ông tại các địa phương cũng được lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc ghi nhận.

Theo Đa Chiều, cả cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đánh giá cao thành tích của Trương Cao Lệ, đây cũng là lý do quan trọng để ông có thể được đề bạt vào chức Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc.

Sau khi giữ chức Phó Thủ tướng, ông Trương nhiều lần được ông Tập bổ nhiệm làm Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc, tham dự nhiều hoạt động quốc tế quan trọng như: Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vào tháng 9/2014, lễ tang Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov vào tháng 9/2016; lễ tang Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 10/2017...

Trong mắt giới truyền thông và nhiều người, Trương Cao Lệ được mô tả là người nghiêm túc và ít nói. Trong mắt cấp dưới, Trương Cao Lệ rất thực tế, có phong cách làm việc mạnh mẽ, có tiêu chuẩn cao đối với bản thân và cấp dưới, và đặc biệt thích tự mình làm.

Trong thời gian làm việc ở Sơn Đông và Thiên Tân, ông Trương đã nhiều lần cảnh cáo cấp dưới: "Người nhà, con cái, họ hàng, bạn bè của tôi đi đâu, thứ nhất không được tiếp đón, thứ hai không được nể nang, thứ ba không được làm hộ việc. Nếu ai giúp đỡ họ, tôi sẽ truy cứu đến cùng người đó!"

Trương Cao Lệ thường gọi điện cho lãnh đạo các bộ phận trực đêm để hỏi thăm tình hình hoặc trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra công việc.

Một số cán bộ cấp dưới nói: "Tôi không sợ trời, không sợ đất. Tôi chỉ sợ Bí thư Trương gọi điện vào ban đêm. Ông ấy thường thích đến các khu dân cư, chợ rau quả, công viên… có cả báo trước và đột xuất để tìm hiểu vấn đề và chỉ đạo các bộ phận liên quan giải quyết vấn đề".

Ngoài ra, trong thời gian giữ chức Bí thư Thành ủy Thâm Quyến, Trương Cao Lệ còn rất nỗ lực để xin được dựng tượng Đặng Tiểu Bình tại thành phố này. Sau khi Đặng qua đời vào tháng 2/1997, khoảng 14 thành phố ở Trung Quốc đã đề xuất dựng tượng Đặng, nhưng không nơi nào được Bắc Kinh chấp thuận.

Tháng 11/2000, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, với sự nỗ lực của Trương Cao Lệ và một số người khác, cuối cùng Bắc Kinh đã chấp thuận cho dựng tượng Đặng Tiểu Bình trên đỉnh núi Hoa Sen ở Thâm Quyến. Tổng Bí thư ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân đích thân tham dự lễ khánh thành bức tượng. Các ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình cũng đều từng ​​lên đỉnh núi Hoa Sen để chiêm ngưỡng tượng Đặng Tiểu Bình.

Theo Hữu Hiển

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên