Cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang sai phạm ra sao trong việc thất thoát 3,8 triệu USD?
Ông Cao Minh Quang.
Ông Cao Minh Quang đã không kiểm tra việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, gây thất thoát 3,8 triệu USD.
- 11-03-2022Bắt cựu thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
- 01-12-2021Đề nghị Ban Bí thư kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang , trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty cổ phần Dược Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Qua điều tra, cảnh sát xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng thuốc Oseltamivir với Công ty Dược Cửu Long.
Theo đó, vào cuối năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm ở người, Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phòng chống đại dịch.
Từ đề nghị của Bộ Y tế, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm A/H5N1.
Thuốc dự trữ được Bộ Y tế đề xuất là đủ 30 triệu viên. Kế hoạch này được Chính phủ điều chỉnh xuống còn 20 triệu viên. Dự trữ thuốc dưới 2 hình thức là sản xuất 10 triệu viên, hoàn thành trong tháng 3/2006 và dự trữ dưới dạng nguyên liệu đủ sản xuất 10 triệu viên Oseltamivir.
Trong 2 năm (2003-2005) cả nước chỉ có 91 ca mắc bệnh nhưng Bộ Y tế vẫn đề xuất mốc thời gian đến 30/6/2006 phải dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người.
Việc tham mưu đề xuất như trên là thiếu căn cứ thực tiễn về tình hình diễn biến của dịch tại nước ta thời điểm đó.
Sau đó, có 4 doanh nghiệp được Bộ Y tế đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc, nhưng trong quá trình đặt hàng, biên bản của hội đồng thẩm định các cơ sở đủ điều kiện sản xuất thuốc của Bộ Y tế tại buổi làm việc với 4 công ty đã không có nội dung thương thảo về giá. Biên bản làm việc không có chữ ký của công ty.
Không chỉ thế, đơn đặt hàng đã được hội đồng Thẩm định gửi cho công ty ngay tại buổi kiểm tra trong khi chưa có báo cáo lên bộ trưởng.
Từ đó 4 công ty đã đặt mua 2.030 kg nguyên liệu Oseltamivir (do Hetero Labs Limited Ấn Độ sản xuất) với giá 17.500- 18.000 USD /kg.
Trong đó, Công ty Dược Cửu Long mua 520 kg nguyên liệu từ Công ty Mambo Overeas Limited Singapore với giá 17.500 USD /kg, thành tiền là 9,1 triệu USD . Công ty này chỉ thanh toán cho bên bán 5,2 triệu USD và giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD nhưng số tiền giữ lại không được thể hiện trong báo cáo tài chính.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, ông Cao Minh Quang và một số bị can khác đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Do đó, cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã không phát hiện việc công ty này được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Ngoài vụ việc này, ông Cao Minh Quang cũng đang bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm trong vụ VN Pharma nhập khẩu hàng trăm ngàn hộp thuốc giả.
Theo Viện Kiểm sát, trong quá trình công an điều tra, ông Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.
Doanh nghiệp và tiếp thị