MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế?

29-11-2017 - 16:30 PM | Xã hội

“Trong những năm qua có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, có ai được khen vì giảm biên chế thành công hay không?”- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đặt câu hỏi.

Sáng 29-11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng, với sự tham dự của đông đảo cán bộ chủ chốt các ban, bộ, ngành trung ương và tất cả các tỉnh, TP tại các đầu cầu địa phương.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18 về một số vấn đề về “tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu Nghị quyết số 18-NQ/TW. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nói về tình trạng biên chế có xu hướng phình ra, ông Chính cho biết, mục tiêu của nghị quyết là từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế. “Nếu vậy thì chúng ta giảm được 400.000 biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 5%, tương đương 45.000 tỷ đồng. Nếu giảm được như vậy thì chúng ta làm sân bay Long Thành cũng nhẹ nhàng thôi”- ông Chính phân tích một kịch bản sáng sủa nếu thực hiện đúng như nghị quyết đề ra.

Nhưng từ thực tế hai năm qua lại đi ngược lại. “Theo Nghị quyết 39 mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, thực tế không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”- ông Chính nói.

Từ đó, ông Chính đặt câu hỏi: “Trong những năm qua có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, có ai được khen vì giảm biên chế thành công hay không?”. Hỏi xong rồi ông tự trả lời: “Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế. Vì sao vậy? Vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên”- ông Chính nói.

Tại hội nghị, ông Phạm Minh Chính cũng nêu về sự bất cập ở tổ chức các ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe từ Trung ương đến cấp tỉnh khi cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn chưa được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Ông Chính nêu một bất cập, phụ nữ làm cán bộ thì tuổi cũng phải trên 40 nhưng khi ông đi khảo sát ở một số ban chăm sóc sức khỏe cán bộ thì thấy có cả bàn đỡ đẻ, bác sĩ đỡ đẻ nhưng hỏi không thấy có ai đẻ cả. Rồi ở đây cũng có máy chụp X-quang, xét nghiệm máu… mà rất ít người sử dụng.

Từ đó, ông cho rằng Ban chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và yêu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên hiện số người hưởng lương, phụ cấp ở 63 ban chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ có gần 1.000 người, 106 đầu mối và tổng kinh phí hoạt động gần 700 tỉ đồng/năm, trong đó hơn 100 tỉ đồng chi cho con người.

“Cá biệt còn có một số tỉnh mua sắm thiết bị y tế xây dựng phòng khám riêng cho cán bộ nhưng hiệu quả sử dụng, đội ngũ y tế có hạn. Nếu tiết kiệm được khoản này sẽ xây dựng được một số trường học và phù hợp hơn”- ông Chính nói.

Theo Tá Lâm

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên