MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã có gần 60 doanh nghiệp báo lỗ quý 1

01-05-2017 - 09:12 AM | Doanh nghiệp

Hiện PVD đứng đầu danh sách thua lỗ trên 2 sàn niêm yết với khoản lỗ chính thức hơn 200 tỷ đồng - bỏ xa các doanh nghiệp thua lỗ còn lại.

Hiện thị trường đang trong mùa BCTC quý 1/2017, danh sách doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã dần lộ diện.

Những doanh nghiệp lỗ cao

Các doanh nghiệp đứng đầu danh sách thua lỗ trong quý 1/2017 gồm PVD, VOS, VHG, BTP, KHP, TCR, RIC, SCJ, TDC, TMTSHP. Trong đó PVD đứng đầu danh sách với khoản lỗ hơn 200 tỷ đồng - cách biệt so với các doanh nghiệp còn lại. Nguyên nhân thua lỗ là do số lượng dàn khoan hoạt động giảm và công ty tăng trích dự phòng phải thu quá hạn. Năm 2017 mục tiêu kinh doanh của PVD chỉ là không bị lỗ.

Vị trí tiếp theo thuộc về VOSCO với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ kể từ quý 1/2015 nâng lỗ lũy kế đến cuối kỳ hơn 884 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thua lỗ của VOS có lẽ không bất ngờ, trong năm 2017 mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp chỉ là giảm lỗ tối đa. VOSCO cũng đã thua lỗ cả 2 năm 2015 và 2016 nên nếu năm nay doanh nghiệp này không có lãi thì VOS cũng sẽ tiếp gót VST, NOS, VSP, SSG…khăn gói rời sàn do thua lỗ liên tiếp. Trên sàn niêm yết giá cổ phiếu VOS chỉ trên 1.000 đồng và nếu kết quả kinh doanh không khởi sắc thì giá cổ phiếu này cũng sẽ khó có cơ hội phục hồi.

Đáng chú ý có lẽ là trường hợp thua lỗ của ô tô TMT, doanh nghiệp này báo lỗ 11,77 tỷ đồng trong quý 1/2017 - Đây có thể nói là quý lỗ bất ngờ bởi TMT đã có thời gian dài kinh doanh có lãi từ quý 2/2013 đến nay, đây cũng là quý ghi nhận số lỗ lớn nhất tính từ quý 1/2012 của TMT. Được biết năm 2017, ngành ô tô Việt Nam được dự báo sẽ có diễn biến khó lường khi chịu tác động từ nhiều yếu tố, đặc biệt là lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN (mức thuế giảm từ 40% xuống 30% trong năm 2017 và 0% vào năm 2018); việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với xe du lịch động cơ xăng trong năm 2017, động cơ dầu năm 2018 và xe tải năm 2022...Tuy nhiên TMT vẫn rất tham vọng khi đặt kế hoạch công ty mẹ lãi ròng 124 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2016.

Ngoài ra còn có khoản lỗ của 3 doanh nghiệp điện là BTP, KHP và SHP. Trong khi các doanh nghiệp thủy điện báo lãi khởi sắc thì quý 1 như thường lệ không phải là mùa kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhiệt điện, BTP báo lỗ gần 46 tỷ đồng trong đó lỗ sản xuất kinh doanh là 5,67 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện hơn 40 tỷ đồng. Cũng do đặc thù ngành thủy điện, sản lượng nửa đầu năm chỉ bằng 30% sản lượng điện cả năm nên SHP cũng đã báo lỗ hơn 12 tỷ đồng. Còn điện lực Khánh Hòa (KHP) do EVN CPC tăng giá bán điện cho công ty khiến KHP kinh doanh dưới giá vốn và chịu lỗ gần 36 tỷ đồng.

Quốc tế Hoàng Gia (RIC) sau khi công bố mục tiêu kinh doanh tăng mạnh so với 2016 là lãi 42 tỷ đồng thì lại công bố con số thua lỗ 22 tỷ đồng ngay trong quý đầu tiên của năm 2017 mặc dù doanh thu trong kỳ tăng gấp đôi. Hay như trường hợp của xi măng Sài Sơn (SCJ) ngay sau khi công bố nỗ lực khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát thì cũng đã báo lỗ gần 16 tỷ đồng - cao nhất kể từ khi niêm yết do công ty gặp sự cố về máy móc thiết bị nên phải dừng hoạt động.

Họ dầu khí, sông Đà, doanh nghiệp xây dựng lỗ nhiều

Mặc dù mức thua lỗ không trầm trọng như các doanh nghiệp trên, nhưng có thể thấy trong danh sách các doanh nghiệp lỗ quý 1/2017 có sự góp mặt của khá nhiều doanh nghiệp họ dầu khí (PVB, PXI, PVL, PXA, PPE, PVR), họ sông Đà (SCL, SDH, SD7, SDY) và hàng loạt doanh nghiệp xây dựng như TDC, PVV, HAR, VCR, DLR, SVN. Trong đó PVV báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp, PVB cũng đang hiện thực hóa mục tiêu lỗ 25 tỷ đồng trong năm 2017 của mình khi quý 1 đã báo lỗ 5,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác mặc dù chỉ là con số lỗ vài tỷ đồng hay vài trăm triệu đồng nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và cổ đông trong bối cảnh hiện có tới gần 90% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Hiện còn tới hơn 200 doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa công bố BCTC quý 1/2017 theo đó con số thua lỗ có thể sẽ tiếp tục tăng lên và mức độ thua lỗ còn có thể cao hơn bởi các doanh nghiệp kinh doanh kém khả quan thường sẽ trì hoãn công bố.

Tú Anh

HNX&HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên