Đã có hơn 800 dự án thủy điện được phê duyệt tại Việt Nam
Hiện, có 385 dự án thủy điện được đưa vào khai thác sử dụng, đang xây dựng 143 dự án và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án...
Trong số 385 công trình thủy điện đang vận hành, có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và vận hành các công trình thủy điện.
Theo đó, theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp đặt 23.182MW.
Trong đó, đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 18.564MW, đang xây dựng 143 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 1.848MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự ánvới tổng công suất lắp đặt 2.770MW.
Bộ Công Thương cho rằng, xét chung trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, theo đó, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.
Đánh giá cụ thể hơn về công tác quy hoạch, Bộ Công Thương cho biết, với các dự án có công suất lắp máy trên 30MW hầu hết nằm trên các lưu vực sông chính, lớn đã được Thủ tướng hoặc Bộ Công Thương phê duyệt đã được xây dựng và đi vào vận hành phát điện.
Riêng với các dự án thủy điện có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30MW chủ yếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn nên tài liệu cơ bản để lập quy hoạch còn hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi...
Trong khi cơ quan xây dựng quy hoạch (Sở Công Thương) các tỉnh có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương trong quá trình lập, xem xét quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ, vì vậy, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế. Không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình nghiên cứu đầu tư; mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết như giao thông, lưới điện... tại các khu vực này còn chậm nên một số dự án nhỏ chưa đảm bảo khả thi.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện và loại khỏi quy hoạch 463 dự án thủy điện chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường", Bộ Công Thương cho biết.
Một vấn đề khác đang được người dân quan tâm, đặc biệt là sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào là công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn.
Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành, trong đó có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện, công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập tại 345 công trình thủy điện còn lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh.
Theo đó, hiện có 338/345 hồ chứa đã có quy trình vận hành được thẩm định, phê duyệt, trong đó có 5 hồ chứa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng, 221 hồ chứa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương và 119 hồ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh.
Về quản lý an toàn đập, đơn vị này cho biết, hiện đa số chủ đập thủy điện đã thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập. Có 345/345 đập được đăng lý an toàn đập, 345/345 đập được báo cáo hiện trạng an toàn đập, 310/345 đập được bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập, 245/345 đập đã đến kỳ kiểm định, trong đó có 203 đập đã được kiểm định xong và được Tư vấn kiểm định đánh giá đập vận hành an toàn, ổn định; 42 đập đang được chủ đập thực hiện công tác kiểm định.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với công tác kiểm định đập, năm 2018 có 315/345 đập có phương án được phê duyệt, 30 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có 302/345 đập có phương án được phê duyệt về phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, 307/345 đập có phương án được duyệt về bảo vệ đập.
"Riêng đối với 5 hồ thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát) hàng năm được Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn đập. Năm 2018, tại Thông báo số 2190/BKHCN-CNN ngày 17 tháng 7 năm 2018, Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà đánh giá các đập của hồ chứa trên làm việc an toàn, ổn định", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Vneconomy