MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã đến lúc Việt Nam cần học cách sống không có ODA

Mặc dù các định chế tài chính lớn như World Bank hay ADB đã cho biết còn vài năm nữa họ mới dừng cấp vốn vay hỗ trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam, nhưng Chính phủ cần học cách sống mà không có ODA ngay từ bây giờ để tránh mọi cú sốc đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo kế hoạch, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ dừng cấp vốn ODA cho Việt Nam từ tháng 7/2017, còn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng sẽ dừng chính sách cho vay ODA với Việt Nam từ tháng 1/2019.

Tuy nhiên, các quan chức của cả 2 nhà tài trợ vốn ưu đãi hàng đầu của Việt Nam đều chưa khẳng định liệu đó đã phải là thời điểm cuối cùng hay chưa.

Trong buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2016 hồi cuối tháng 3, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam – cho biết ADB không thể đưa ra quyết định quá sớm, vì còn tùy thuộc vào các cổ đông góp vốn cho ADB. Với World Bank, chuyên gia kinh tế trưởng Sandeep Mahajan của ngân hàng này trong buổi công bố báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á–Thái Bình Dương ngày 11/4 cũng cho biết họ chưa đưa ra quyết định chính thức đối với Việt Nam.

Dù còn phải chờ quyết định chính thức của các quốc gia góp vốn vào ODA, nhưng ngay từ bây giờ, Chính phủ Việt Nam có thể phải chuẩn bị phương án cho việc giảm dần phụ thuộc vào ODA.

Theo ông Sandeep Mahajan, sẽ là một sự thay đổi rất lớn khi mức phân bổ vốn ODA của WB cho Việt Nam giảm xuống mức 0 USD vào năm tới. Trong 4 năm trước, Việt Nam đã nhận 3,7 tỷ USD vốn vay ODA từ tổ chức này.

Tính xa hơn, kể từ năm 1994, mỗi năm Việt Nam đã vay 3,5 tỷ USD vốn ODA từ các nhà tài trợ.

WB cho biết Việt Nam chuẩn bị hết điều kiện vay vốn ưu đãi IDA của tổ chức này do đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Còn ADB cho rằng Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện để vay quỹ ưu đãi ADF của ngân hàng này do thu nhập quốc dân của Việt Nam đã đạt ngưỡng giàu hơn và Việt Nam đã tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế.

Ông Sandeep cho biết khi một quốc gia chuyển dịch từ nước có thu nhập thấp sang nước thu nhập trung bình, các điều khoản và lãi suất mà họ nhận được từ World Bank sẽ thay đổi.

Thông thường, chính sách ODA cho nước đó sẽ chuyển từ hỗ trợ phát triển sang quan hệ đối tác.

Nhiều lĩnh vực chủ chốt của quốc gia dự kiến sẽ không còn được vay vốn ODA nữa, trong đó có ngành giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.

Theo một vị đại biểu quốc hội, để tránh mọi cú sốc có thể khi vốn ODA bị cắt, chính phủ cần có biện pháp để thích nghi với giai đoạn “hậu ODA”, nhất là khi Việt Nam đang cần tới khoảng 90 tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016-2020. Biện pháp cấp thiết là phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tính toán lại thu chi để đảm bảo mức thâm hụt hợp lý, giảm nợ công xuống mức vừa phải.

Một khi chất lượng của nền kinh tế được cải thiện, Việt Nam sẽ được các hãng xếp hạng tín nhiệm nâng bậc xếp hạng, từ đó có thể tiếp cận các khoản vay quốc tế với mức lãi suất thấp hơn.

Chính ông Sandeep cũng cho rằng, với vị thế là nước thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ có năng lực tài chính tốt hơn, có năng lực tiếp cận thị trường quốc tế nhiều hơn, điều khoản về lãi suất cũng sẽ thay đổi.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên