Đà Nẵng: Chuyển đổi số giúp cuộc sống dân thuận tiện hơn
Du khách quét mã QR thanh toán khi mua sắm tại một gian hàng đặc sản ở chợ Cồn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Đề án Chuyển đổi số của TP Đà Nẵng sau hơn một năm triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế và trên mọi mặt của đời sống xã hội.
- 17-11-2022Cách cập nhật CCCD cho hồ sơ sổ BHXH đơn giản nhất
- 17-11-2022Hé lộ bảng cân đối kế toán của FTX trước "thảm họa": hàng tỷ USD tài sản thanh khoản kém, không thể thanh khoản
- 16-11-2022Bị đòi nợ do thông tin CCCD/CMND bị đánh cắp, người bị hại cần kiểm tra những thông tin sau
Các nền tảng số được xây dựng và phát triển đồng bộ đảm bảo triển khai chuyển đổi số nhanh, thuận lợi và hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Đà Nẵng, cho rằng để có được kết quả trên là nhờ hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đã vào cuộc, hưởng ứng mạnh mẽ, tham gia công cuộc chuyển đổi số của thành phố.
Do đó sau hơn một năm đầu triển khai đã đạt được nhiều kết quả, sản phẩm cơ bản, vừa kịp thời phục vụ người dân và có tính lan tỏa.
Dân quen dần với nền tảng số
Theo ông Thạch, để tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong các giao dịch, hiện nay tại Đà Nẵng có nhiều nền tảng số được triển khai và người dân đã dần hình thành thói quen sử dụng.
Hiện thành phố đã đưa vào sử dụng nền tảng ứng dụng di động đa dịch vụ, tiện ích Da Nang Smart City cung cấp các dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân, cộng đồng (tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, xe buýt, vi phạm giao thông, giá đất, tiền điện, nước, bãi đỗ xe...). Lũy kế đến nay ứng dụng đã có gần 1,1 triệu lượt tải, sử dụng.
Cùng với đó, TP đã phát triển nền tảng công dân số MyPortal cho phép định danh, xác thực, mỗi người dân có một hồ sơ số và được gắn mã QR cá nhân duy nhất (theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mã QR quốc gia), lưu giữ các thông tin, dữ liệu, tài liệu cá nhân trên nền tảng; phục vụ thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước hoặc sử dụng các dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp (điện, nước, y tế, giáo dục...).
"Nền tảng cho phép tích hợp với các hệ thống, ứng dụng chuyên ngành để cung cấp dịch vụ, tiện ích số cho người dân; cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời đến người dân; người dân dễ dàng góp ý, phản ánh, hiến kế đến chính quyền và được xử lý, phản hồi kết quả" - ông Thạch nói.
Kiểm tra thân nhiệt tài xế bằng máy quét tại trạm kiểm soát ra vào thành phố thời điểm dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: TẤN LỰC
Ngoài ra, TP cũng phát triển nền tảng quản lý camera và đưa vào sử dụng nền tảng giám sát đỗ xe nhằm giám sát các bãi đỗ xe, giám sát tình hình đậu đỗ xe, chức năng nhận dạng biển số, phát hiện vi phạm đỗ xe trái phép...
Đến nay đã tích hợp 25 bãi đỗ xe, hơn 80 tuyến đường cấm đậu đỗ xe (theo giờ, theo ngày chẵn lẻ).
Đưa vào sử dụng nền tảng giám sát hành trình xe (xe rác, xe cứu hỏa, xe cứu thương); hiện đã kết nối, tích hợp dữ liệu hành trình của 19 xe cứu thương, 43 xe cứu hỏa để theo dõi, giám sát hành trình, cung cấp thông tin cho người dân và phục vụ công tác điều phối, quản lý xe.
100% dịch vụ công ứng dụng chuyển đổi số
Tính đến nay TP Đà Nẵng đã triển khai 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức 4 (nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục qua mạng). Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 55,5% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc).
Một số ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP được triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả như: Hệ thống lấy ý kiến các thành viên UBND TP về các hồ sơ, chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP; Hệ thống thông tin phục vụ cuộc họp của UBND TP; Phần mềm theo dõi công việc lãnh đạo UBND TP giao...
Ứng dụng CNTT, công nghệ số trong cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể được quan tâm triển khai nhằm đẩy mạnh tính tiên phong trong chuyển đổi số.
Đến nay tất cả các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp TP đến quận huyện, xã phường đã triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành để xử lý văn bản điện tử và gửi, nhận liên thông với các cơ quan chính quyền.
Ông Thạch cho biết với tinh thần quyết tâm của các cấp, các ngành, TP Đà Nẵng đã có nhiều cách tiếp cận mới, triển khai kịp thời, hiệu quả trong ứng dụng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 và đưa Đà Nẵng trở thành là điểm sáng trong toàn quốc.
Cán bộ y tế quét mã QR thông tin khai báo y tế của người ra vào thành phố trong thời gian bùng dịch COVID-19 - Ảnh: TẤN LỰC
Cụ thể, thành phố đã triển khai hiệu quả gần 20 giải pháp công nghệ phòng chống dịch COVID-19 như Ứng dụng quản lý khai báo y tế và kiểm soát ra vào qua mã QRCode, Giấy đi đường QRCode, Thẻ đi chợ QRCode, Bản đồ dịch tễ CovidMaps, Truy vết F1, F2 nhanh qua tổng đài tự động, Phần mềm quản lý, hỗ trợ người cách ly tại nhà... và đã chia sẻ cho nhiều tỉnh, thành sử dụng.
Về kinh tế số, TP Đà Nẵng đã đạt được kết quả vượt bậc. Cụ thể, ngành công nghiệp CNTT-TT có tốc độ tăng trưởng cao, là một trong những ngành có tỉ trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố cao nhất.
Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, năm 2021 tăng trưởng 10,47% và đóng góp 12,57% GRDP.
Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đến nay Đà Nẵng đã xây dựng Sàn thương mại điện tử và ứng dụng di động nhằm giúp cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Hiện đã có hơn 1.000 doanh nghiệp và 2.500 sản phẩm tham gia trên sàn.
Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố; tổ chức triển khai mô hình Chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại ba chợ quy mô cấp thành phố với hơn 1.000 tiểu thương tham gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại (VietQR, Mobile Money, ví điện tử...).
Tính đến nay có 83,14% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 69% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Huy động nguồn lực xã hội
Theo ông Thạch, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; công tác hợp tác, huy động nguồn lực doanh nghiệp và xã hội được quan tâm, chú trọng.
Kế thừa các kết quả hợp tác trong những năm qua, năm 2021 UBND TP đã tiếp tục ký kết hợp tác về chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh với Tập đoàn Viettel, FPT; đang chuẩn bị ký kết với Tập đoàn VNPT, MobiFone.
Qua vận động, nhiều doanh nghiệp đã phát triển các ứng dụng cho thành phố và người dân sử dụng (không sử dụng kinh phí ngân sách) như: ứng dụng di động Góp ý (Công ty Sioux), ứng dụng di động Cho và Nhận (Công ty DataHouse Asia), ứng dụng di động Kuuho (Công ty Enouvo); đặc biệt là các ứng dụng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 như Giấy đi đường QRCode, ứng dụng eTicket, Thẻ đi chợ QRCode của Công ty Astraler, Bản đồ dịch tễ CovidMaps (Công ty Phenikaa MaaS), ứng dụng web check-in QRCode (Cảng Đà Nẵng), Truy vết F0, F1 (Công ty VPBO)...
Tuổi trẻ