MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng còn nhiều 'nút thắt' trong thu hút đầu tư vào công nghệ thông tin

08-02-2023 - 15:16 PM | Kinh tế số

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin Đà Nẵng vẫn thiếu và yếu. Ảnh: Nguyễn Tri.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin Đà Nẵng vẫn thiếu và yếu. Ảnh: Nguyễn Tri.

Hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và nơi làm việc đang là hai "rào cản" lớn khiến hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin Đà Nẵng còn hạn chế.

Doanh nghiệp gặp khó

Công nghệ thông tin với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP. Đà Nẵng. Điều này thể hiện rõ qua sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp, lao động cũng như doanh thu toàn ngành. Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp vào lĩnh này của thành phố vẫn còn nhiều rào cản.

Ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về Linh kiện xe hơi của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, công ty đã đạt được những mục tiêu nhất định khi đầu tư vào Đà Nẵng, tuy vẫn có những khó khăn hiện đang gặp phải. Trong đó phải kể đến nguồn nhân lực chất lượng cao và văn phòng làm việc.

Về nguồn lao động, Lee Jong Wook cho rằng, để phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố với nền tảng công nghệ thông tin thì cần phải có sự hợp tác với các công ty toàn cầu. Chìa khóa của hợp tác chính là sự giao tiếp với con người là trọng tâm.

"Ngoài việc bồi dưỡng năng lực phát triển kỹ năng cơ bản của học sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông, cần đi kèm những chương trình đào tạo về quy trình và giao thức để các em có thể hợp tác với các chuyên gia hàng đầu thế giới", ông Lee Jong Wook chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch trung và dài hạn cho trung tâm công nghệ thông tin có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp nếu như tất cả các doanh nghiệp cùng hợp sức với việc đào tạo. Tuy nhiên, ở phía lập trường của doanh nghiệp, nếu như không thể ngay lập tức tạo ra thành quả thì không thể đảm bảo cho tương lai được.

"Với quan điểm này, tất cả các công ty công nghệ thông tin cần phải có ngay những kỹ thuật viên tay nghề cao. Nhưng có những mặt hạn chế rõ ràng ở Đà Nẵng, vì thế chúng tôi đang đều đặn thực hiện các hoạt động tuyển dụng để đưa các tài năng từ bên ngoài như TP.HCM, Hà Nội đến Đà Nẵng", ông Lee Jong Wook nói và đề xuất thành phố cần cung cấp những chính sách hấp dẫn như ưu đãi về thuế… dành cho những nhân lực bên ngoài không chỉ trong Việt Nam mà nước ngoài, đang quan tâm đến Đà Nẵng.

Bên cạnh nguồn lao động, ông Lee Jong Wook cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đúng thời hạn công trình Khu Công viên phần mềm số 2 là nguyện vọng cấp thiết của nhiều công ty công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.

"Theo thời gian, ngày càng có nhiều công ty công nghệ đầu tư vào Đà Nẵng, do đó nhu cầu về nơi làm việc để ổn định nguồn nhân lực và phát triển các dự án mới là rất cần thiết", ông Lee Jong Wook nói.

Đà Nẵng còn nhiều nút thắt trong thu hút đầu tư vào công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Nguồn lao động và nơi làm việc đang là 2 vấn đề mà Đà Nẵng đang tập trung giải quyết để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Ảnh: Thành Vân.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Trao đổi với Nhadautu.vn , bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, hiện đang có nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư vào công nghệ thông tin Đà Nẵng.

Theo bà phương, lĩnh vực này không cần đất đai, cái chính là nguồn nhân lực, tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ thông tin Đà Nẵng vẫn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, nơi làm việc cho công ty công nghệ thông tin cũng đang bị thiếu. Đơn cử như Khu công viên phần mềm số 2 mặc dù xây dựng chưa xong nhưng đã có khoảng 26 doanh nghiệp đăng ký thuê văn phòng.

"Có thể thấy rằng, nguồn lao động và nơi làm việc đang là 2 vấn đề mà thành phố đang tập trung giải quyết để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin", bà Phương nói.

Để chuẩn bị cho doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tư vào Đà Nẵng, bà Phương cho biết, thành phố đã xây dựng Khu công viên phần mềm số 2, đang trong quá trình hoàn thiện; đồng thời, năm 2023 thành phố dự kiến sẽ tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư cho một dự án công viên phần mềm ở Hòa Xuân quy mô khoảng 17ha. Nếu các dự án này đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp công nghệ thông tin hoạt động rất tốt.

Ngoài ra, Tập đoàn Viettel cũng có 1 dự án tháp phần mềm quy mô 1ha ở đầu cầu Trần Thị Lý, khi đưa vào hoạt động cũng đáp ứng được mặt bằng cho thuê…

Trong khi đó, PGS. TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhân, hiện nay, nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin đào tạo từ các trường đại học trong nước về cả số lượng và chất lượng đều chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội (đặc biệt là kỹ sư chất lượng cao).

"Là một trong 3 trung tâm lớn đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao của cả nước, Đại học Đà Nẵng trong những năm gần đây đẩy mạnh công tác đào tạo ngành công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước", PGS. TS Lê Thành Bắc cho hay.

Theo PGS. TS Lê Thành Bắc, năm 2022, các đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tuyển sinh để đào tạo 2.045 sinh viên ngành công nghệ thông tin. Ngoài các ngành đào tạo trực tiếp về lĩnh vực này, hiện nay các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng đã mở mới nhiều chuyên ngành đào tạo có gắn với lĩnh vực công nghệ thông tin, như: Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Hệ thống nhúng, Cơ điện tử, Trí tuệ nhân tạo…

Theo Thành Vân

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên