Đà Nẵng đã dùng Facebook và trí tuệ nhân tạo trong quản lý giao thông như thế nào?
Dù chưa cho phép thí điểm Grab và Uber nhưng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nhanh nhạy sử dụng mạng xã hội, trang bị camera tích hợp trí tuệ nhân tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý giao thông.
- 03-08-2017Sở GTVT Đà Nẵng lại 'tuýt còi' Uber
Cảnh sát giao thông trả lời dân trên Facebook
“Phòng CSGT đã mời người điều khiển phương tiện đến làm việc, công nhận hành vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi vi phạm "Đi vào đường cấm" (quy định tại Điều 5, Khoản 4, Điểm b Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ) phạt tiền một triệu đồng và tước giấy phép lái xe hai tháng” – Nickname Phạm Hồng Hải viết.
Đây là mẩu tin ngắn thường thấy trên nhóm Facebook mang tên “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng”. Chủ của nickname đăng tải những thông tin này là Thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng.
Trả lời báo chí, Thiếu tá Phạm Hồng Hải cho biết nhóm Facebook của cơ quan Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2016. Dù vậy, nhóm đã ghi nhận gần 5.000 ý kiến phản ánh chỉ sau nửa năm hoạt động. Trung bình mỗi ngày đội ngũ quản trị viên nhận từ 25-30 ý kiến của người dân.
Các thông tin do người dân cung cấp đều được cơ quan chức năng xử lý. CSGT sẽ tiến hành phân loại theo mức độ khẩn cấp, phổ biến hay phức tạp và trước khi xử lý tại hiện trường hoặc đưa về các đơn vị có liên quan để tiếp tục xử lý.
Nhóm "Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng" trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình.
Bên cạnh đó, nhóm Facebook nói trên còn là thành kênh giao tiếp hiệu quả giữa người dân và CSGT thành phố. Các quy định mới của pháp luật cũng được đăng tải trong nhóm. Hàng tuần, một bản excel ghi nhận các vi phạm của người tham gia giao thông được “ghim” trên tường của nhóm. Không chỉ người vi phạm có thể biết nhận quyết định xử lý, mà những người khác còn có điều kiện để theo dõi, giám sát.
Lắp camera tích hợp trí tuệ nhân tạo
Thực tế, những thông tin liên quan đến vi phạm giao thông do Ban quản trị đăng tải trong nhóm Facebook trên đều dựa vào các camera giám sát. Có tới 68 camera giám sát giao thông được lắp đặt tại 18 vị trí. Trong đó có 2 camera quan sát, 4 camera giám sát tốc độ, 62 camera giám sát và xử lý vi phạm.
Cùng với đó, các hệ thống camera của một số tổ chức, cá nhân khác cũng được yêu cầu tham gia. Camera của nhóm “Phát triển Đà Nẵng” đã giúp chính quyền thành phố quan sát trực tuyến bối cảnh giao thông tại gần 20 điểm nút quan trọng, như: cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu vượt ngã ba Huế,…
Đà Nẵng còn là thành phố cởi mở với công nghệ mới. Đầu năm 2017, chiếc camera tích hợp trí tuệ nhân tạo đã được lắp đặt tại ngã ba đường Trưng Nữ Vương - Núi Thành (quận Hải Châu). Đây là camera được Trung tâm Vi mạch (CENTIC) - Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát triển. Điểm đặc biệt của chiếc camera này là có khả năng nhận biết các lỗi vi phạm giao thông cơ bản.
“Kể từ lúc triển khai hệ thống camera, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cơ bản được nâng cao. Tất cả trường hợp vi phạm được mời đến làm việc. Sau khi xem hình ảnh từ camera, người vi phạm nhận lỗi và ký biên bản vi phạm. Do đó, việc xử lý hành vi vi phạm thuận lợi, chính xác hơn, được nhân dân đồng thuận” – Thiếu tá Phạm Hồng Hải nói.
Đà Nẵng chưa cấp phép cho Grab và Uber
Ngay sau khi website của Công ty TNHH Uber Việt Nam xuất hiện thông tin Uber triển khai thử nghiệm dịch vụ gọi xe qua ứng dụng tại thành phố Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 3872 gửi công ty này.
Theo đó, Sở GTVT cho biết chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về việc chưa thực hiện thí điểm các ứng dụng khoa học hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho đến khi có kết quả tổng kết 02 năm thực hiện thí điểm của Bộ GTVT.
Về khả năng trong tương lai, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết sẽ chỉ phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện, sau khi Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quản lý hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải khách theo hợp đồng.
Như vậy, Uber sẽ chưa được hoạt động tại thành phố Đà Nẵng cho đến tháng 1/2018, thời điểm chấm dứt thực hiện thí điểm theo quyết định của Thủ tướng. Hồi cuối năm 2016, Grab cũng đã bị yêu cầu dừng việc ký hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.