Đà Nẵng: Nhân tài bị bạc đãi
Ngoài việc thừa nhận nhiều đơn vị chưa quan tâm, sâu sát đến nhân tài, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng còn nêu thực trạng nhiều người làm việc cầm chừng, thiếu nhiệt huyết.
Sau gần 15 năm thực hiện Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), TP Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại giữa các học viên với lãnh đạo TP.
Một trong những ý kiến mà các học viên nêu ra với lãnh đạo Đà Nẵng là sau khi tốt nghiệp, họ được bố trí làm việc không đúng chuyên ngành, không phát huy được năng lực. Vấn đề biên chế cũng được các học viên quan tâm khi họ được bố trí công tác nhưng chỉ trong diện hợp đồng chứ chưa vào biên chế. Báo cáo của Sở Nội vụ cho thấy TP đã bố trí công tác cho 460 học viên; trong đó chỉ có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức.
Chị Bùi Thu Linh, công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, cho hay chế độ lương bổng cũng là một nguyên nhân khiến các nhân tài dứt áo ra đi. "Nếu không thể phá rào về chính sách tiền lương, tôi đề xuất TP củng cố các điều khoản mềm như bố trí chung cư, chăm lo cho đời sống của các học viên thì sẽ hạn chế được phần nào việc nhân tài bỏ đi" - chị Linh đề xuất.
Học viên Đề án 922 bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong buổi đối thoại.
Tại buổi gặp mặt, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã thẳng thắn phê bình giám đốc các sở, ban, ngành của TP cùng chủ tịch các quận, huyện - những đơn vị sử dụng nhân lực từ Đề án 922 lại không tham gia đối thoại. Ông Thơ cho rằng từ đó có thể thấy được sự thiếu quan tâm, sâu sát của các đơn vị sử dụng lao động với các học viên của đề án.
Ông Thơ thừa nhận tình trạng nhiều đơn vị ít quan tâm đến học viên của đề án và có tình trạng bố trí không phù hợp. "Có những cán bộ không làm được việc nhưng được bố trí làm ở vị trí đó rồi và không thay đổi được" - ông Thơ nêu thực tế và khẳng định hiện tượng ưu ái là chắc chắn có, dẫn đến sự không minh bạch trong môi trường làm việc khiến nhiều học viên bất mãn.
Bên cạnh đó, ông Thơ cũng nêu tình trạng học viên làm việc cầm chừng, không hiệu quả, không phát huy hết năng lực vốn có. Ông Thơ đề nghị các học viên cần giữ vững lập trường, tránh tình trạng "đứng núi này trông núi nọ". "Đi làm giải tỏa, gặp dân, giải quyết cho dân… là những công việc hằng ngày nhưng các bạn cứ làm cầm chừng, không nhiệt huyết thì dẫn đến không thành công, tâm lý chán chường" - ông Thơ lý giải.
Ông Thơ yêu cầu sau 15 ngày kể từ buổi đối thoại, tất cả đơn vị có sử dụng học viên Đề án 922 phải làm giải trình, báo cáo các nội dung: Số lượng học viên, bố trí công việc như thế nào, tâm tư, nguyện vọng của từng học viên...
Thành phố cũng vi phạm hợp đồng
Theo nhiều học viên của Đề án 922, trong hợp đồng với TP Đà Nẵng, một trong những chính sách mà các học viên được ưu đãi sau khi ra trường là được bố trí chung cư. Thế nhưng, Sở Xây dựng - đơn vị xét duyệt cấp chung cư - cho biết công chức được cấp chung cư phải là người có gia đình, có con hoặc hộ nghèo. Trong khi đó, học viên mới tốt nghiệp hầu hết không đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, thừa nhận trong việc này, TP Đà Nẵng đã vi phạm hợp đồng. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết vì nhiều lý do, trong đó có việc quỹ chung cư hạn chế nhưng thời gian tới sẽ ưu tiên xem xét cấp chung cư cho những học viên thực sự có nhu cầu và đến từ tỉnh khác.