Đà Nẵng: Thống nhất xây dựng cảng Liên Chiểu theo phương thức PPP
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc sớm triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng. Phương án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo tin từ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, ngày 22/5, tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bàn về kế hoạch đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và công suất khai thác cảng Tiên Sa. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, các Vụ liên quan của Bộ GTVT và Công ty CP Cảng Đà Nẵng.
Phối cảnh quy hoạch dự án Liên Chiểu do tư vấn Nhật Bản lập (Ảnh: HC)
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, ý kiến tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị dự họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thống nhất một số chủ trương chính. Theo đó Bộ GTVT thống nhất sớm triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng.
Phương án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó: Hợp phần A (gồm đầu tư đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác. Hợp phần B (gồm đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng) sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng triển khai đầu tư và khai thác cảng sau này.
UBND TP Đà Nẵng sẽ khẩn trương cập nhật số liệu, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án gửi Bộ GTVT cùng thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ GTVT cũng thống nhất với UBND TP Đà Nẵng giới hạn công suất khai thác tối đa cảng Tiên Sa là 10 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14B, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng (Trường Sơn – CMT8 – 2 Tháng 9 – Cầu Tiên Sơn – Ngũ Hành Sơn – Ngô Quyền – Yết Kiêu) cũng như phù hợp với định hướng phát triển cảng Tiên Sa trở thành cảng du lịch quốc tế.
Trong một diễn biến khác, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ngỏ lời đề nghị tham gia hợp tác đối với dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP. Hiện lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng đã tiếp nhận đề nghị này và đang khẩn trương xem xét.