Đà Nẵng trên "đường băng" mới và cơ hội ghi tên mình trên bản đồ khu vực
"Bộ Chính trị đã trao cho Đà Nẵng một chìa khóa mở toang cánh cửa ra để đi lên một tầm cao mới", ông Nguyễn Kim Tuấn, nguyên cán bộ Chính uỷ thành phố này cho biết.
- 24-03-2019"Soi" việc mua sắm online của người Việt: Thích săn hàng giảm giá trong giờ hành chính
- 24-03-2019Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đề xuất mới về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet
- 24-03-2019“Làn gió mới” thu hút đầu tư FDI vào Quảng Nam
Nhìn lại Đà Nẵng trong 15 năm qua, ông Kim Tuấn nhận xét "đây là thành phố phát triển ngoài kỳ vọng". Bởi sau chiến tranh, Đà Nẵng không có gì cả mà theo mô tả của ông, chỉ là những con đường đơn sơ, việc làm hạn chế, người dân tự sinh hoạt với nhau.
Nhưng thành phố này đã vượt lên, tạo ra một thứ diện mạo khác biệt. Sau khi có Nghị quyết Trung ương đưa Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố bắt đầu xây dựng và phát triển.
"Như trước đây, sông Hàn này không có chiếc cầu nào cả, chỉ có phà qua lại, nhưng sau đó lãnh đạo thành phố đã huy động lực lượng nhân dân đóng góp, tạo được cầu sông Hàn. Tiếp theo đó, sau khi có Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị tạo ra cho thành phố bước đi vững chắc hơn, để có mục tiêu phấn đấu thì thành phố đã vươn lên tầm rất cao như hiện nay", ông nói.
Thành phố cũng nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế. "Từ chỗ bắt đầu lấy công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nhưng khi có Nghị quyết 33, thành phố đã chuyển đổi lại thành dịch vụ, công nghiệp rồi nông nghiệp", ông Tuấn cho biết và nhấn mạnh giờ đây Đà Nẵng đã là một thành phố du lịch có tiếng trong cả nước và khu vực.
Nhưng bên cạnh những thành công đó, ông Tuấn tỏ ra trăn trở khi cho biết Đà Nẵng gặp nhiều rào cản mà lớn nhất là cơ chế quản lý theo mô hình trực thuộc Trung ương.
"Đà Nẵng đang lùng bùng cái đó. Mặc dù kinh tế có phát triển, mặc dù cơ sở vật chất có phát triển nhưng mà những để lên tầm cao thành phố chưa làm được bởi lẽ là cơ chế không có", ông chia sẻ "nguyện vọng lâu nay của nhân dân thành phố là muốn Trung ương có cơ chế thoáng".
Ước mơ của người dân Đà Nẵng đang trở thành hiện thực nhờ vào Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo", ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đơn vị được giao chủ trì xây dựng nghị quyết cho biết.
Theo ông, Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức là quan trọng, là một lợi thế hết sức là lớn lao. "Thành phố sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho thành phố mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng", ông nói. Vì vậy, 3 trụ cột lớn cho phát triển của thành phố trong thời gian tới sẽ gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển một thành phố cảng biển.
Thứ nhất, về du lịch, thì ngoài du lịch thông thường một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế.
Thứ hai, về công nghiệp, vì thành phố rất có lợi thế về du lịch nên để bảo đảm môi trường sinh thái thì phải tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.
Thứ ba, vì Đà Nẵng có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy thành phố phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistic.
"Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung", ông Bình nhận định.
Nhận xét về Nghị quyết 43, PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng tính mục tiêu của Nghị quyết rất cụ thể. "Ví dụ như đóng góp của thành phố cho GDP chung tăng gấp đôi chẳng hạn", ông nói.
Nhưng điều khiến ông ấn tượng hơn cả là giải pháp. "Nếu như ta chỉ đưa ra mục tiêu chung chung, thì giải pháp sẽ chung chung", ông nói và nhấn mạnh chính nhờ cách tiếp cận này, Nghị quyết đã tạo ra tính khả thi rất cao. "Đà Nẵng đã được chủ động về một chuỗi giải pháp, một số quyền và cơ chế đặc thù. Điều này rất ấn tượng", ông nói thêm.