MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã tăng giá 7 năm liên tiếp, "con bò" trên TTCK Mỹ có kiệt sức?

12-07-2016 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

​6 tháng đầu năm 2016 là quãng thời gian mà có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ muốn quên đi. Giờ đây đúng là họ đã có thể cho quãng thời gian ấy vào dĩ vãng bởi thị trường đã lấy lại được số điểm đã mất.

Sau khi có tới 2 lần rơi vào vùng điều chỉnh chỉ trong 13 tháng với mức độ biến động tăng cao kỷ lục, chỉ số S&P 500 giờ đây đã phục hồi và quay trở lại vùng cao kỷ lục. Phiên hôm qua (12/7), chỉ số này tiếp tục tăng 0,3%, vượt qua mốc kỷ lục trước đó là 2.130,82 điểm được lập ngày 21/5/2015. Chỉ số này cũng đã tăng điểm trong 7 trên tổng số 9 phiên gần nhất nhờ những tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ.


Lần đầu tiên sau 13 tháng, S&P 500 lập đỉnh

Lần đầu tiên sau 13 tháng, S&P 500 lập đỉnh

Lần lập đỉnh này càng đáng chú ý hơn khi mà chứng khoán Mỹ vừa trải qua thời kỳ dài nhất kể từ năm 1985 mà trong đó thị trường không lập đỉnh mới dù không rơi vào thị trường giá xuống.

TTCK Mỹ đang ở trong chu kỳ tăng giá lớn thứ hai trong lịch sử. Sau khi các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đã có 2 lần bị bán tháo và giảm hơn 10% vào tháng 8 năm ngoái và tháng 1 năm nay.

Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư cá nhân đã rút khỏi thị trường 80 tỷ USD – cao nhất kể từ 6 tháng đầu năm 1984. Bây giờ thị trường đang hồi phục và tăng điểm mạnh mẽ với niềm tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục mở rộng và lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt nhờ đồng USD và giá dầu ổn định hơn.

Bên cạnh đó các báo cáo kinh tế đang tiếp sức cho thị trường. Trong các báo cáo được công bố tuần trước, ngành dịch vụ và thị trường việc làm của nước Mỹ đều tăng trưởng tốt. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều ẩn số như hiện nay, sức khỏe kinh tế Mỹ tốt lên lại không khiến người ta lo ngại Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, S&P 500 lập đỉnh trong bối cảnh các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rút tiền ra khỏi các quỹ tương hỗ, các nhà đầu tư bán khống đặt cược mạnh mẽ nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính và nhu cầu về các cổ phiếu phòng thủ bùng nổ. Cổ phiếu phòng thủ là loại cổ phiếu cung cấp cho nhà đầu tư cổ tức liên tục và thu nhập ổn định cho dù tình hình chung trên thị trường chứng khoán như thế nào đi chăng nữa.

Kelly Bogdanov – chuyên gia phân tích tại quỹ RBC Wealth Management ở San Francisco – vẫn tỏ ra hoài nghi về thị trường. “Khi nhìn vào thị trường này cũng như đợt tăng giá này, tôi vẫn chưa thể yên tâm. Có vẻ như các nhà đầu tư định chế đang đứng ngoài cuộc đua. Chỉ đến khi có nhiều người hơn nữa tham gia vào thị trường, đó mới là tín hiệu tốt”.

Bogdanov đang nghĩ về kịch bản thường xuyên lặp lại suốt kể từ năm 2009 đến nay: sự hoài nghi lại góp phần đẩy giá cổ phiếu lên cao vì nó ngăn chặn việc mua vào bừa bãi – động thái được coi là nguyên nhân khiến TTCK chứng khoán nhiều lần bùng nổ quá mức để rồi vỡ tan trong quá khứ.

Cùng chung quan điểm, Micheal Kelly – chiến lược gia đến từ PineBridge Investments – cho rằng thị trường đang ở trong trạng thái bất thường. Chính những lo lắng lại tạo ra một cái lưới an toàn nâng đỡ thị trường.

Đã có nhiều lời cảnh báo được đưa ra. Stan Druckenmiller – nhà đầu tư tỷ phú nằm trong nhóm những nhà quản lý tiền tệ có thành tích dài hạn xuất sắc nhất – hồi tháng 5 đã cảnh báo rằng “con bò” sắp kiệt sức. Jeffrey Gundlach, ông chủ của quỹ DoubleLine Capital là một trong những quỹ tương hỗ tăng trưởng nhanh nhất thế giới – cũng dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ sụt giảm 20%.

Tâm lý đi tìm những cổ phiếu an toàn đang chi phối quyết định chọn lựa của nhà đầu tư trong bối cảnh giá tăng nhưng lợi nhuận giảm khiến chứng khoán Mỹ đắt nhất trong 6 năm. Chỉ số S&P 500 đang có hệ số P/E ở mức 19,8 lần, cao hơn gần 20% so với mức trung bình 10 năm.

Cổ phiếu của những công ty trả cổ tức cao nhất và có lợi nhuận ổn định (như nhóm điện nước và điện thoại) đã dẫn đầu thị trường suốt từ tháng 5/2015 đến nay với mức tăng trưởng từ 14% trở lên. Ngược lại, những cổ phiếu nhạy cảm hơn với biến động của nền kinh tế (như ngân hàng và hàng hóa) giảm mạnh nhất (hơn 7%).

Trong quá khứ, phần lớn trường hợp thị trường sẽ rơi vào “thị trường con gấu” khi đạt trạng thái như thời điểm hiện tại. Chỉ có 2 lần bất thường duy nhất. Tính đến khi lập đỉnh vào 1/1961, S&P 500 đã có 17 tháng liên tiếp giao dịch ở dưới mức đỉnh được lập ra trước đó. Chỉ số này có thêm 52 lần lập đỉnh trước khi giai đoạn tăng giá kéo dài 4 năm kết thúc vào tháng 12/1961. Lần thứ hai là vào năm 1985, khi S&P 500 có 323 ngày không lập đỉnh nhưng đã tăng giá liên tiếp trong 3 năm sau đó.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên