Đã xác thực sinh trắc học, nếu còn bắt buộc thêm chữ ký số sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm, làm tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng
Ngân hàng cho rằng, hiện nay các ngân hàng đếu đã áp dụng bảo mật 2 lớp, triển khai QĐ 2345 để đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Nếu còn thực hiện thêm chữ ký số thì sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm, gia tăng chi phí.
- 12-07-2024Một ngân hàng cho vay thêm được gần 20.000 tỷ chỉ trong vòng 10 ngày
- 12-07-2024Tá hỏa vì không vay vốn cũng bị "khủng bố" đòi nợ
- 12-07-2024Hôm nay (12/7), một ngân hàng vừa tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,7%/năm
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp Góp ý dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, để thống nhất các kiến của các Tổ chức hội viên, kiến nghị gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan chủ trì soạn thảo).
TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết đã có văn bản kiến nghị về Dự thảo Nghị định, quy định về chữ ký điện tử, dịch vụ điện tử, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT). Ông cho rằng, một số nội dung dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là chưa phù hợp Luật Giao dịch điện tử 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức tín dụng.
Ông Hùng đồng tình và ủng hộ với định hướng một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có một chữ ký số, chữ ký điện tử cho các giao dịch dịch vụ công cũng như kinh doanh. Tuy nhiên cần phải xem xét ứng dụng vào bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Tại cuộc họp, đại diện một số TCTD cho rằng, hiện các ngân hàng đều áp dụng bảo mật 2 lớp, xác thực 2 yếu tố để đảm bảo người thực hiện giao dịch đúng là chủ sở hữu tài khoản. Từ ngày 1/7, các ngân hàng đồng loạt triển khai thêm bước xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Nếu thực hiện thêm phần chữ ký số sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, đến trải nghiệm của khách hàng, gia tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
Đại diện Vietcombank đề xuất ý kiến về việc bảo mật trên không gian mạng, nếu triển khai chữ ký số có thể đồng nhất trên một nền tảng để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Nếu dịch vụ trải nghiệm không tốt về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Mỗi TCTD cần vừa đảm bảo an toàn bảo mật cho người dân vừa phải thuận tiện sử dụng.
Đại diện Vietinbank cho biết, mỗi ngân hàng cần chuẩn bị các giải pháp trong thời gian tới, nếu quy định bắt buộc sử dụng chữ ký điện tử thì mỗi ngân hàng cần phải đảm bảo cho lợi ích của người dân, có thể tính đến giải pháp một đầu mối chung để giảm thiểu chi phí cũng như cần đảm bảo tính riêng tư và phạm vi sử dụng trên toàn hệ thống.
Cũng tại cuộc họp, qua phát biểu, các ý kiến đều đồng tình và ủng hộ hướng tới một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có 1 chữ ký số sử dụng cho tất cả các hoạt động, từ giao dịch ngân hàng, hoạt động công ích cũng như kinh doanh, song cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Chính vì vậy, Luật Giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
Do đó, các đại biểu có chung quan điểm: "Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các qui định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp".