'Đặc sản' 6 triệu USD bị Brazil dừng nhập, Việt Nam sẽ bán cho nước nào?
Loại sản vật này bị phía đối tác thông báo dừng do vấn đề vi sinh vật. Năm ngoái, nước này nhập một lô hàng 25 tấn từ Việt Nam.
- 22-02-2024Vì sao quốc gia châu Mỹ dừng mua "đặc sản" 6 triệu USD của Việt Nam?
- 10-02-2024Thứ bỏ đi nay bỗng hóa 'mỏ vàng', làm thành đặc sản đãi khách được 'săn lùng' dịp Tết Giáp Thìn, vừa tiết kiệm vừa tốt cho sức khỏe
- 09-02-2024Loạt món ăn ngày Tết ra nước ngoài, một món đặc sản gây thương nhớ rất khó gửi đi
Hôm 20/2, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - NAFIQPM (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản thông báo về việc Brazil dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam.
Theo đó, Cục này đã nhận được công thư số 65/2024/SDA/MAPA ngày 14/2/2024 của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (Tilapia) từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil dừng xuất khẩu cá rô phi (Tilapia) sang thị trường Brazil theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) kể từ ngày 14/2/2024.
Đồng thời, các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu sang Brazil cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường Brazil.
Trước đó, theo Reuters, Chính phủ Brazil cho biết lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam có hiệu lực cho đến khi quá trình xem xét quy trình y tế hoàn tất.
Việt Nam là quốc gia duy nhất cung cấp cá rô phi cho Brazil từ năm 2023, Bộ Nông nghiệp nói với Reuters trong một tuyên bố riêng.
Bộ này cho biết Brazil đã nhập khẩu 25 tấn cá rô phi từ Việt Nam, trị giá thương mại là 118.000 USD.
Xuất khẩu cá rô phi sẽ chuyển hướng sang Nhật, Châu Âu
Theo Tuổi Trẻ, việc dừng nhập cá rô phi sang thị trường ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp.
Ông Thái Anh Tuấn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở TP.HCM (chủ yếu cá rô phi, cá tra), cho rằng cần chuyển hướng thị trường.
Ông Tuấn chia sẻ: "Cá rô phi là một loài nuôi phát triển nhanh với sản lượng tăng. Cá từ Trung Quốc và Đài Loan nhiều nhất thế giới”.
"Kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của chúng ta thấp nhưng gần đây có xu hướng tăng trưởng tốt. Vì vậy, nếu thị trường Brazil dừng, chúng tôi sẽ đánh sang các thị trường Nhật Bản, Bỉ, Ý, Anh…”, ông Thái Anh Tuấn nói thêm.
Còn bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trả lời Báo điện tử Dân Việt rằng sản lượng xuất khẩu cá rô phi Việt Nam sang Brazil rất hạn chế.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, đây cũng có thể là một động thái để bảo hộ ngành cá rô phi trong nước từ phía nước nhập khẩu và "đánh động" đối với các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam.
Hiện, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Brazil với giá trị gần 100 triệu USD mỗi năm, hầu hết là cá tra, chiếm hơn 99%.
"Thị trường Brazil cũng không phải là thị trường tiêu thụ lớn cá rô phi của Việt Nam. Vì vậy động thái dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam của Brazil sẽ không gây ra ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam", bà Hằng khẳng định.
Theo số liệu VASEP, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2023 đạt hơn 6 triệu USD sang các thị trường, giảm 42% so với năm 2022.
Quý 4/2023, ghi nhận mức giá trị cao nhất của thị trường này khi tăng trưởng dương liên tục cả 3 tháng, sau khi sụt giảm liên tiếp 9 tháng đầu năm. Trong đó, thị trường EU tiêu thụ hơn 2 triệu USD, tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi từ Việt Nam.
Đứng sau EU, Mỹ tiêu thụ gần 1 triệu USD trong năm 2023, giảm 71% so với năm 2022. Cá rô phi đông lạnh là sản phẩm được ưa thích của người tiêu dùng tại Mỹ.
Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ.
Cá rô phi Việt Nam tại Mỹ khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc, vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều dù đang có xu hướng giảm.
Trước đó, chuyên trang thông tin nông nghiệp Notícias Agrícolas (Brazil) cho rằng việc nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái đã gây ra những vấn đề phát triển trong chuỗi nuôi trồng thủy sản Brazil.
Hiệp hội Công nghiệp Cá Brazil (Abipesca) đã nộp hồ sơ lên Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ (MDIC) ngày 17/1, chất vấn việc nhập khẩu 25 tấn cá rô phi đông lạnh từ Việt Nam.
Trong thư gửi Bộ trưởng MDIC Geraldo Alckmin, đơn vị này yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ ngành thủy sản quốc gia khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ cá đến từ châu Á.
Vì sao quốc gia châu Mỹ dừng mua "đặc sản" 6 triệu USD của Việt Nam?
Đời sống & pháp luật