MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đặc sản cá 'vong bất liễu ngư' đắt hơn cả vàng vẫn được săn lùng

16-06-2023 - 00:00 AM | Lifestyle

Một con Empurau nặng 27kg bắt từ sông Katibas đã được bán với giá lên tới hơn 76 triệu đồng. Dù giá đắt hơn cả vàng nhưng loài cá này vẫn được nhiều đại gia săn lùng.

Cá Empurau (hay Tor Tambroides) là loài cá nước ngọt đắt nhất ở Malaysia và chỉ được tìm thấy tại các sông của bang Sarawak. Nó còn được biết tới với các biệt danh như "vua của sông", "vong bất liễu ngư" (không quên được) do hương vị hảo hạng và cả mức giá cao.

Theo MSN, cá Empurau có giá trị thương mại cao. Tùy thuộc vào kích thước và khu vực cá được đánh bắt, 1kg cá Empurau có thể có giá từ 4 đến 7 triệu đồng, thậm chí lên tới 10 triệu đồng, đắt hơn cả 1 chỉ vàng. Dù đắt đỏ như vậy nhưng giống cá này được nhiều đại gia săn lùng.

Có hai loại Empurau thịt trắng và thịt đỏ với chiều dài thân, cũng như kết cấu thịt khác nhau. Những người có kinh nghiệm cho biết, cá Empurau thịt trắng thân ngắn hơn nhưng ngon hơn Empurau đỏ.

Tuy nhiên, những con cá nặng trên 3kg thuộc cả hai loại này đều được săn lùng nhiều bởi thịt của chúng rất chắc. Những con Empurau cỡ nhỏ có hàm lượng chất béo cao hơn, khiến cho kết cấu của chúng quá mềm.

Mức giá "thổi bay tâm trí"

Theo Borneo Post, năm 2016, một con cá Empurau khổng lồ nặng 7,9kg bắt từ sông Baleh đã được bán với giá lên tới hơn 40 triệu đồng. Trong khi chỉ 1 năm trước đó, con Empurau nặng 27kg bắt từ sông Katibas đã được bán với giá lên tới hơn… 76 triệu đồng. Loài cá này thường được phục vụ trong các khách sạn hoặc nhà hàng sang trọng.

Tháng 2 năm nay, một Tiktoker nổi tiếng ở Singapore cho biết cô đã phải trả 1.000 SGD (hơn 17 triệu đồng) để thưởng thức cá Empurau ở Sibu (bang Sarawak).

Không có gì ngạc nhiên khi giá cả của loài cá này còn tiếp tục tăng vọt trong những dịp lễ tết.

Vì sao cá Empurau đắt đỏ tới vậy?

MSN cho biết, có một số yếu tố khiến cho giá của cá Empurau đắt đỏ tới vậy, đó là chế độ ăn tự nhiên của cá và những thách thức trong quá trình đánh bắt.

Cá Empurau từ sông Sarawak thường có mùi vị riêng biệt khi được nấu chín do chế độ ăn uống đặc biệt của chúng. Cá ở đây thường có vị kem, mặn, một chút ngọt, trong khi lại thơm mùi trái cây. Kết cấu cá rất mềm, tan chảy trong miệng.

Sở dĩ như vậy vì chúng ăn trái cây dại rụng từ các cây bên bờ sông. Một trong những loại quả phổ biến là Engkabang, còn được gọi là "bơ của Sarawak", thường được sử dụng khi nấu ăn (đặc biệt là nấu cơm) vì có vị béo và bơ.

Đáng nói, loại cây này chỉ ra quả 4-5 năm một lần (hoặc lâu hơn), khiến giá của những con cá Empurau tiêu thụ loại quả này càng trở nên đắt đỏ hơn.

Đặc sản cá "vong bất liễu ngư" đắt hơn cả vàng, được các đại gia săn lùng - Ảnh 2.

Ngoài ra, cá Empurau rất khó đánh bắt trong tự nhiên, chúng thường được tìm thấy ở thượng nguồn các con sông có dòng chảy xiết, lòng sông gồ ghề và sẽ di cư nếu môi trường sống của chúng bị ô nhiễm.

Cá Empurau cũng mất nhiều thời gian để trưởng thành hoàn toàn (gần 3 năm) và chỉ những con nặng từ 3kg trở lên mới đáng bán vì thịt cá khi đó mới chắc và đặc.

Cá Empurau được đánh bắt từ tự nhiên chắc chắn sẽ có giá cao hơn, nhưng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm đang làm cạn kiệt môi trường sống của chúng, loài cá này đang được nuôi trồng tại Sarawak với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp địa phương.

Bên cạnh đó, một số phía như Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đã chủ động nhân giống loài cá này. Tại xứ Cảng Thơm, cá Empurau được cho ăn loại trái cây tương tự như bơ. Trung Quốc đại lục, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với cá Empurau.

Thưởng thức cá Empurau như thế nào?

Cá Empurau thường được hấp khi còn nguyên vảy để giữ được độ mọng nước và kết cấu của thịt. Thực khách cũng có thể lựa chọn món cá Empurau nướng, nhưng theo đánh giá chung thì hương vị của cá hấp ngon hơn.

Mọi bộ phận của cá Empurau đều có giá trị nên không có bộ phận nào bị lãng phí. Nếu được tách riêng ra khi chế biến, vảy cá Empurau thường được chiên ngập dầu với gia vị, nom giống như những miếng khoai tây chiên giòn và được dùng như món khai vị.

Theo Tùng Chi

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên