“Đại án” Phạm Công Danh: Điều tra bổ sung có gì mới?
Thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành lấy lời khai một số đối tượng liên quan tại 3 ngân hàng.
- 22-05-2018Ông Phạm Công Danh tiết lộ mua Ngân hàng Đại Tín chỉ 4 triệu đồng
- 12-05-2018Phạm Công Danh sập bẫy bất động sản của bà Hứa Thị Phấn
- 06-05-2018Vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2: Em trai ông Danh thoát tội cố ý làm trái vì luật mới đã bãi bỏ
Như BizLIVE đã đề cập, ngày 24/4/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố (bổ sung) vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank ), Ngân hàng TMCP Tiên Phong ( TPBank ), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tại TPBank, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank khai: khoảng tháng 5/2013, Ủy ban tín dụng nhận được nội dung trình của đơn vị kinh doanh và phòng tái thẩm định tín dụng về việc xem xét, phê duyệt cho 11 công ty vay tiền tại ngân hàng để đầu tư trái phiếu. Các khoản vay được đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, ngoài ra còn được đảm bảo bằng thư bảo lãnh, cầm cố hợp đồng tiền gửi của VNCB. Do đó, với tư cách là thành viên Ủy ban tín dụng, ông Tiến đã đồng ý phê duyệt cho vay đối với khoản vay của 11 công ty. Quá trình xem xét cho 11 công ty vay tiền, ông Tiến không có quan hệ gì với Phạm Công Danh hay Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc CTCP Quỹ Lộc Việt.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thịnh Phát khai: trên cơ sở đề xuất của Đinh Việt Cường, Giám đốc Công ty Thịnh Phát về việc vay tiền tại ngân hàng để đầu tư trái phiếu Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Phương án này theo Cường trình bày là có lợi, không có rủi ro. Do đó, ông Quang và bà Trần Cẩm Nhung đồng ý ký biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Thịnh Phát ủy quyền cho Nguyễn Tiến Dũng, Kiểm soát viên định giá công ty thực hiện việc vay tiền ngân hàng. Các thủ tục vay và phương án vay do Cường, Dũng chủ động thực hiện.
Trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng giữa Công ty Thịnh Phát với ngân hàng, ông Quang không được Cường báo cáo lại các nội dung đã thực hiện. Ông Quang khai không có quan hệ gì với anh Nguyễn Việt Hà, Phạm Công Danh hay cá nhân nào tại ngân hàng.
Tương tự, bà Trần Cẩm Nhung, thành viên Hội đồng thanh viên Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư Thịnh Phát khai cùng ông Quang đồng ý ký biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Thịnh Phát. Bà Nhung nêu không có quan hệ gì với anh Nguyễn Việt Hà, Phạm Công Danh.
Như vậy, căn cứ kết quả điều tra bổ sung đối với các đối tượng liên quan tại nhà băng trên không phát sinh các tình tiết mới. Đối với ông Lê Quang Tiến: quá trình điều tra, điều tra bổ sung đến nay không có tài liệu nào thể hiện ông Tiến, thành viên Ủy ban tín dụng gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất gì với Phạm Công Danh hay Nguyễn Việt Hà vay tiền thông qua 11 công ty. Do đó, không đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự đối với ông Lê Quang Tiến.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị ngân hàng có hình thức xử lý hành chính đối với ông Tiến. Do vậy, cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm xử lý đối với các đối tượng liên quan tại ngân hàng này.
Đối với ông Nguyễn Thanh Quang và bà Trần Cẩm Nhung đã có hành vi ký biên bản họp Hội đồng thành viên trên cơ sở đề xuất của Đinh Việt Cường, Tổng giám đốc là người đại diện trước pháp luật. Quá trình điều tra không có bất kỳ tài liệu nào thể hiện việc ông Quang và bà Nhung gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất hay giúp sức gì cho Phạm Công Danh hay Nguyễn Việt Hà. Do đó, không đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự đối với các cá nhân này.
Ngoài ra, quá trình điều tra bổ sung vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có nhận được đơn kiến nghị của bị cáo Hà Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phát Việt Nam trình bày về việc xem xét lại trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định Bình đã có hành vi trao đổi, thống nhất với Nguyễn Việt Hà sử dụng pháp nhân là Công ty Đại Phát Việt Nam do Bình làm chủ tịch, đại diện trước pháp luật, ủy quyền cho Đỗ Phương Nam ký hồ sơ vay 170 tỷ đồng, chuyển 170 tỷ đồng để Phạm Công Danh sử dụng gây thiệt hại cho VNCB. Do đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố Hà Văn Bình về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận giám định số 3912 của NHNN ngày 27/5/2016 và kết luận giám định bổ sung số 8671 ngày 11/11/2016 của Đoàn giám định NHNN đã kết luận về sai phạm của TPBank: Quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ hoặc cho vay khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá khả năng tài chính để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng; việc nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh; cho vay khi khách hàng và bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay; không kiểm tra sau cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ, tài liệu… là thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, vi phạm Quyết định 1627, Thông tư 28, Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Trách nhiệm thuộc về người thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố tài sản.
Về giám định thiệt hại, TPBank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 11 công ty liên quan đến Phạm Công Danh. Việc bảo lãnh của VNCB cho 11 công ty vay vốn tại ngân hàng đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền là hơn 1.736 tỷ đồng.
BizLive