MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại án Phạm Công Danh: “Thổi giá” nhà 260 tỷ bán 1.260 tỷ

22-07-2016 - 21:14 PM | Bất động sản

VKS tiếp tục công bố cáo trạng truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng.

Trong số tài sản mà bà Hứa Thị Phấn bán cho Ngân hàng Đại Tín, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Q 3, TP HCM được mua với giá... 1.260 tỷ đồng, trong khi được định giá chưa tới 260 tỷ đồng.

Mua đi bán lại, lời nghìn tỷ

Năm 2008, bà Hứa Thị Phấn (chủ Ngân hàng Đại Tín, sau đó đã bán lại toàn bộ 85% cổ phần cho Phạm Công Danh) bán lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho Công ty CP Địa ốc Lam Giang (là công ty con của bà Phấn) với giá 25 nghìn cây vàng (tương đương khoảng 425 tỷ đồng). Sau đó, đến năm 2012, Công ty Lam Giang bán lại cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng.

Để Công ty Lam Giang tránh chịu thuế 25%, bà Phấn đã hủy hợp đồng mua bán giữa mình và Công ty Lam Giang (do trước đây mua bán nhưng chưa chuyển nhượng). Sau đó, bà Phấn bán lại cho ngân hàng để chỉ phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân 2%. Trong phi vụ này, nhờ bán cho ngân hàng mà bà Phấn đã lãi cả nghìn tỷ.

Câu hỏi đặt ra rằng, có hay không việc nâng khống giá trị tài sản để rút nghìn tỷ từ ngân hàng thông qua việc mua đi - bán lại? Hơn nữa việc mua bán không qua công chứng, rồi lại hủy hợp đồng mua bán là cách để trốn thuế hàng trăm tỷ đồng cũng cần được làm rõ. Như vậy, chỉ trong gần hai năm (từ 1/1/2011 - 7/2012), bà Phấn và những người điều hành Ngân hàng Đại Tín đã khiến ngân hàng bị mất vốn điều lệ và âm vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Đề nghị làm rõ hành vi của bà Phấn

Theo kiến nghị của luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Hà Hải và luật sư Nguyễn Văn Sáng (Đoàn Luật sư TP HCM, bào chữa cho Phạm Công Danh), Tòa cần trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ những sai phạm của nhóm bà Phấn và những người đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín. Lý do là Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao chưa điều tra làm rõ những sai phạm của nhóm bà Hứa Thị Phấn và những người đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín trong vụ án Phạm Công Danh.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín từ nhóm bà Phấn sang ông Danh là trái pháp luật nhưng chưa được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật…

Theo các luật sư, hợp đồng chuyển nhượng ngày 9/10/2012 từ bà Phấn sang ông Danh là không có căn cứ pháp luật, sai cả hình thức và nội dung. Cụ thể, bên chuyển nhượng là bà Phấn gồm một số tổ chức, cá nhân mà đại diện bởi bà Phấn. Tuy nhiên, trên thực tế, phụ lục hợp đồng ghi danh sách cổ đông chuyển nhượng của bà Phấn lại để trống. Như vậy, bà Phấn không đủ tư cách để đại diện cho các cổ đông, tức là các tổ chức, cá nhân để ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín. Bên chuyển nhượng là ông Danh cũng không đủ tư cách để đại diện cho một số tổ chức, cá nhân để ký hợp đồng trên.

Phạm Công Danh chuyển nhượng cả… đất quốc phòng

Tại phiên xét xử ngày 21/7, VKS tiếp tục công bố cáo trạng truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, liên quan đến một số hành vi đã khởi tố nhưng được tách ra để tiếp tục điều tra xử lý, có phần liên quan đến các lô đất an ninh quốc phòng được Danh xây dựng làm trụ sở Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và trụ sở Tập đoàn Thiên Thanh, CQĐT xác định các lô đất số 268 Tô Hiến Thành, 302 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh là đất an ninh quốc phòng, do Quân khu 7 quản lý. Từ năm 2002, hai bên cho thuê bằng hợp đồng liên kết.

Năm 2006, trong vụ án Thái Thị Thanh Liên, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải bị xét xử về tội tham ô, lừa đảo tài sản, bà Hứa Thị Phấn cũng được các cơ quan chức năng nhận định là có liên quan đến hành vi phạm tội của Liên.

Tại thời điểm này, Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự của bà Phấn nhưng các yêu cầu này đã không được đáp ứng.

Đến tháng 5/2012, Công ty Tây Nam thuộc Quân khu 7 ký với Công ty Trung Dung (là công ty của Phạm Công Danh) hợp đồng cho thuê 49 năm. Sau đó, Công ty Tây Nam được phép ký bàn giao đất và hiện trạng nhà cửa trên đất của lô đất 268 Tô Hiến Thành cho Công ty Trung Dung. Trước đó, vào tháng 8/2006, Công ty Tây Nam đã ký hợp đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh thuê hai lô đất tại 302 Tô Hiến Thành, và 816 Sư Vạn Hạnh thời hạn 35 năm. Đồng thời, Quân khu 7 ký hợp đồng ủy quyền cho Phạm Công Danh với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh được dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng hai lô đất 302 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh để khai thác, thế chấp, chuyển nhượng…

Sự việc kéo dài trong nhiều năm để Phạm Công Danh lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Những hành vi vi phạm này có liên quan đến các đơn vị, cá nhân trong quân đội, nên cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển cho cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng giải quyết.

Chiều 21/7, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi. Khi được thẩm vấn, lần lượt các bị cáo (Phan Thành Mai - nguyên Tổng giám đốc VNCB, Mai Hữu Khương - nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Hoàng Đình Quyết - nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang, Nguyễn Quốc Viễn - nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB) đều thừa nhận các hành vi sai phạm về việc thực hiện theo chỉ đạo của Danh ký hợp đồng khống nâng cấp hệ thống Corebanking cho VNCB để rút 63 tỷ đồng; Lập khống hồ sơ thuê hai trụ sở để rút hơn 600 tỷ đồng; chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.

Theo Yên Trang - Sao Mai

Báo GTVT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên