MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Đại bàng’ Samsung, AEON mong muốn gì tại Việt Nam?

Môi trường kinh doanh toàn cầu liên tục biến động,  khiến các "đại bàng" FDI vẫn đang theo sát tình hình kinh tế  Việt Nam từng ngày để toan tính có hay không việc mở rộng đầu tư.

Bật mí kế hoạch của Samsung, AEON

Chia sẻ tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư, vì một Việt Nam thịnh vượng”, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp công nghệ trên toàn thế giới đang dõi theo Việt Nam hàng ngày, và tìm hiểu những biến động chính sách.

‘Đại bàng’ Samsung, AEON mong muốn gì tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức hôm nay tại Hà Nội.

“Đối với Samsung, thành công của chúng tôi cũng nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Việt Nam và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe doạ những tiếp nối của câu chuyện kinh doanh này. Hơn 100 doanh nghiệp toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, năng lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe doạ”, ông Choi Joo Ho cho biết.

Theo CEO Samsung, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là một điển hình cho sự biến đổi của môi trường bên ngoài và sự phản ứng của Việt Nam rất quan trọng. Những chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà Việt Nam đang triển khai sẽ bị mất hiệu quả thực tế. Việc thay đổi cơ chế đánh thuế cũng khiến Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp xáo trộn lớn.

Vì vậy, Samsung đề xuất cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Samsung đồng tình với quan điểm nên ban hành chính sách về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong năm nay cũng như luật hoá các chính sách cụ thể.

Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam - cho biết, bên cạnh Nhật Bản, tập đoàn xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai để tăng tốc, đẩy mạnh hoạt động đầu tư.

‘Đại bàng’ Samsung, AEON mong muốn gì tại Việt Nam? - Ảnh 2.

AEON đặt mục tiêu mở rộng trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam.

CEO AEON đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam luôn thay đổi, nhưng tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng và phát triển tới quy mô hiện tại trong thời gian ngắn thì Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có nhiều tiềm năng nhất.

Tuy vậy, ông Furusawa Yasuyuki cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời chính quyền địa phương cần ra quyết định định nhanh chóng hơn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Về mục tiêu tương lai, ông Furusawa Yasuyuki cho biết, trong vòng 3-5 năm tới, AEON vẫn tập trung vào mở rộng trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam.

35 năm thu hút gần 446 tỷ USD

Đánh giá về 35 năm thu hút FDI vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhận định, khu vực này đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 4, Việt Nam đã thu hút được khoảng gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, khoảng 280 tỷ đã được giải ngân.

‘Đại bàng’ Samsung, AEON mong muốn gì tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chậm lại.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh, sau hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, thành tựu rất đáng ghi nhận nhưng không phải không có những tồn tại, hạn chế. Một trong số đó là tính lan tỏa, sự kết nối giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước còn chưa cao.

Thời gian gần đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chậm lại. Bốn tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,89 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy, theo Thứ trưởng, qua tiếp xúc với những hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, khảo sát của JETRO (Nhật Bản) mới đây cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư,kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới.

“Các nhà đầu tư châu Âu xếp Việt Nam trong nhóm 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 41% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Năm 2020, theo báo cáo của Liên hiệp Quốc tế về Thương mại và phát triển, Việt Nam vẫn lọt vào 1 trong 20 quốc gia, nền kinh tế có nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài được thu hút lớn nhất trong năm”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo Việt Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên