Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: "Cần tính toán lại việc điều chỉnh tăng lương cho cán bộ!"
Nghị quyết kế hoạch tài chính quốc gia 2016 – 2020 đề cập đến việc điều chỉnh tiền lương bình quân với mức tăng từ 7 – 8%. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): “Cần phải tính toán lại”.
- 28-10-2016Lạm phát 500%, người Venezuela được tăng lương 40%
- 28-10-2016Tiền đâu tăng lương cho cán bộ?
- 27-10-2016Chính sách tiền lương, bảo hiểm, thương mại có hiệu lực từ tháng 11/2016
- 24-10-2016Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Giảm 50% không lo lương cho viên chức thì đỡ lắm!”
Đây là một trong những nhận định về lương được ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra tại nghị trường chiều ngày 1/11. Theo đó, vị đại biểu tỉnh Thanh Hóa tỏ ra bức xúc khi chỉ ra nhiều điểm chưa được hợp lý trong vấn đề này.
“Không thể để tiền lương như hiện nay, một chế độ tiền lương áp dụng chung cho toàn bộ đối tượng công chức với 18 loại phụ cấp. Cùng công chức với nhau mà người có thâm niên, người không có thâm niên, công chức của ngành này lại có phụ cấp cao hơn ngành khác. Đấy là bất hợp lý!”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Cũng theo ông, với tình hình ngân sách đang khó khăn như hiện nay trong khi nhu cầu chi lại lớn khiến cho việc phân bổ ngân sách ngày càng trở nên quan trọng, “phải liệu cơm gắp mắm” chứ không thể giữ lối chi tiêu như cũ.
Do vậy, dù rất hoan nghênh với việc Chính phủ đã để ra nguồn lực nhằm điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức nhưng ông Bùi Sỹ Lợi lại đưa ra cân nhắc, tính toán lại về mức tăng 7-8% này.
Theo phân tích của ông Lợi, có thể thấy khu vực sản xuất kinh doanh thì xác định tiền lương tối thiểu theo 4 vùng và ngày 1/1 hàng năm sẽ điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên cách này lại không thể áp dụng cho tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức được bởi lẽ bản chất của chúng khác nhau.
Với mức tăng từ 7-8% cho giai đoạn từ 2016 – 2020, rơi vào khoảng 6.600 tỷ đồng, vị đại biểu này không khỏi băn khoăn ngân sách sẽ lấy từ đâu để chi trả.
Mặt khác, ông Lợi cũng đưa ra quan điểm không đồng tình với việc đưa cả nhóm hưu trí và người có công vào trong đề xuất tăng lương cơ bản. “Nhóm này không nên nằm trong cải cách tiền lương”, ông cho hay bởi nhóm này đã được điều chỉnh tăng khi chỉ số giá tiêu dùng và điều kinh tế xã hội tăng.
Do đó, ông cho rằng lộ trình tăng lương bình quân này chỉ là giải pháp tình thế, chưa đi vào bản chất của cải cách chế độ tiền lương.
“Tôi đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển.”, ông Lợi cho biết.
Cụ thể, trong 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 500 ngàn công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu thì phải tính khoán chi theo kết quả đầu ra. Như vậy mới cải cách được chính sách tiền lương, không để tiền lương như hiện nay.
Nhưng để thực hiện được điều này, ông nhấn mạnh vào sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, tái cấu trúc lại các đơn vị công…