Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Thiếu gia đình, nhà trường không thể thực hiện được vai trò tạo nên nhân cách con người!
Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục tại Hội trường, hàng chục đại biểu quốc hội đã đăng ký nêu ý kiến về luật giáo dục sửa đổi đang được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ hợp thứ 7.
- 21-05-2019"Triết lý giáo dục Việt Nam là gì" và câu trả lời trước Quốc hội
- 20-05-2019Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội "bật mí" phương án sửa luật để đáp ứng đòi hỏi của CPTPP
- 20-05-2019Trước Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn
- 20-05-2019Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội: Hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy mức phạt 200.000 đồng là quá nhẹ
- 20-05-2019Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh: Đề nghị làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước
Chuyện bằng cấp của thầy, cô giáo
Trình độ chuẩn của giáo viên được quy định trong điều 72 của Luật giáo dục sửa đổi. Theo đó, trình độ của giáo viên mầm non được nâng từ Trung cấp sư phạm lên Cao đẳng sư phạm. Đại biểu Đặng Phương Thảo của Nam Định cho biết, giáo viên mầm non là đặc thù, vừa phải đảm trách vai trò nuôi, vừa lại phải dậy dỗ. Do tâm sinh lý và độ tuổi, giáo viên mầm non đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển đầu đời của một con người. Chính vì thế, theo Đại biểu Thảo, giáo viên mầm non cần trình độ cao chứ không phải thấp.
"Tuy nhiên, với trình độ Trung cấp hiện tại, Giáo viên mầm non chỉ được đào tạo 2 năm với thời gian thực hành ít, lý thuyết nhiều. Trong khi đó, đầu vào của Giáo viên mầm non lại không có, khó thu hút học sinh giỏi. Những áp lực đè lên vai giáo viên mầm non có thể dẫn tới sự chưa phù hợp trong giáo dục", bà Thảo chia sẻ.
So sánh với các nước trong khu vực và thế giới, bà Thảo cho biết nhiều quốc gia đòi hỏi giáo viên mầm nong phải có trình độ Đại học, sau đại học. Ở một số quốc gia, giáo viên mầm non cần phải ứng những yêu cầu nhất định trước khi được phép tiếp xúc với trẻ trong thời gian thực tập. Các nước trong khu vực, chẳng hạn như Singapore, Thái Lan cũng đòi hỏi cao. Chính vì thế, nâng chuẩn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu xã hội, phù hợp với khu vực.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng đề nghị luật làm rõ, khi nâng chuẩn, các trường có được tuyển giáo viên trình độ trung cấp hay không. Nếu không cho phép tuyển mới, đó sẽ là khó khăn với nhiều địa phương. Tuy nhiên, khi tuyển mới lại không đáp ứng được quy định của luật. Đó là điều cần làm sõ và nghiên cứu để phù hợp với các địa phương, nhất là những địa phương gặp tình trạng thiếu giáo viên.
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 21/5. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Hòa của Đồng Tháp thì bày tỏ những quan ngại với chất lượng sinh viên các trường sư phạm. Việc các trường sư phạm được ưu tiên học phí nhưng điểu chuẩn đầu vào lại tương đương các trường khác là điều chưa thực sự hợp lý và khó có thể thu hút được những sinh viên giỏi.
"Ưu tiên sinh viên sư phạm là hợp lý nhưng cần phải đi cùng với điều kiện điểm cao vượt trội so với các ngành khác. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được hưởng lương cao hơn một bậc. Đó chính là cách thu hút sinh viên giỏi và có được chất lượng tốt", ông Hòa chia sẻ và lấy bài học từ các trường Công an, Quân đội làm dẫn chứng.
Ông Hòa cũng nêu những quan điểm với xã hội hóa sách giáo khoa, đề nghị sách giáo khoa cần được dùng lâu dài, không chỉ dùng được một năm để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định để tránh giáo viên lợi dụng việc bán sách tham khảo để dậy thêm, học thêm. Tính khách quan của việc phê chuẩn sách giáo khoa là điều thực sự được ông Hòa và dư luận quan tâm.
Trước tình trạng gian lận thi cử vừa xảy ra, ông Hòa cũng đề nghị xem xét lại cách thi. Theo đó, bỏ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, chỉ tổ chức xét tuyển và mở lại các kỳ thi đại học như trước. Với những học sinh trung bình, có thể học nghề hoặc chọn một hướng đi cho phù hợp. Những học sinh giỏi thi đại học và nó cũng nâng cao chất lượng đầu vào.
Đại biểu Dương Minh Tuấn của Bà Rịa Vũng Tàu thì bày tỏ quan ngại với quy định đổ tuổi theo học các cấp. Ngoài 6 trường hợp đặc biệt được nêu trong Điều 28, Đại biểu Tuấn đề nghị luật thêm vào quy định những trường quá tuổi nhưng vẫn được phép đi học nếu có lý do chính đáng. Điều này nhằm đảm bảo cơ hội giáo dục cho tất cả mọi người.
Cùng chia sẻ những quan ngại về sách giáo khoa, Đại biểu Tuấn cho biết Hội đồng Quốc gia Thẩm định sách Giáo khoa, theo luật mới, do Bộ trưởng Giáo dục thành lập. Bộ trưởng cũng là người phê duyệt sách giáo khoa sau khi Hội đồng thông qua. Ông Tuấn đề nghị Chính phủ nên thực hiện một trong 2 vai trò này để đảm bảo tính khách quan với sách giáo khoa.
Dấu hỏi về quyền lợi của các nhà đầu tư giáo dục
Trong những ngày dự thảo luật giáo dục được công bố, rất nhiều đại diện các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã lên tiếng về những điểm chưa hợp lý trong Dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Trong phiên thảo luận, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh của tỉnh Khánh Hòa, cũng đã nêu ra những vấn đề này. Ngoài việc ghi nhận những thay đổi cho phù hợp của ban soạn thảo và Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Thịnh cũng nêu ra những điểm mà vị Đại biểu này cho là chưa hợp lý.
Một trong những điểm được nêu ra là Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục ngoài công lâp, trong đó có điều kiện bao gồm sở hữu đất đai. Đây là quy định không phù hợp với thực tế, không tương thích với quy định pháp lý về đầu tư. Nhiều nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng lâu dài để mở cơ sở giáo dục mà không có đất đai. Đại biểu Thịnh đề nghị bổ sung có đất đai hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Quochoi.vn
Về Điều 54, quy định về quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư nhưng lại chưa quy định hình thức đầu tư trong giáo dục để định hướng hoạt động của nhà đầu tư. Vì chưa có quy định tách bạch quản trị hoạt động đầu tư của nhà đầu tư và quản trị hoạt động đào tạo nên khi có tranh chấp sẽ không có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới người học. Dự thảo luật chưa dự liệu hết điều này.
Đại biểu Thịnh bổ sung: "Nhà đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mới kể từ khi luật này có hiệu lực cần phải thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của luật đầu tư, luật doanh nghiệp để tổ chức kinh tế thành lập tổ chức giáo dục tư thục theo quy định của luật này".
Đề cập đến điều 99, quyền sở hữu tài sản, chuyển nhượng vốn với trường dân lập, tư thục, ông Thinh cho biết trong khoản 1 và 2 quy định rõ và tách bạch tài sản của trường dân lập và tư thục như sau: Tài sản trường dân lập thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường, tài sản tư thục thuộc sở hữu nhà đầu tư.
"Tại khoản 2 quy định nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho nhà trường theo quy định của Pháp luật có liên quan. Quy định như vậy có thể hiểu là nhà đầu tư có thể bị tước quyền tài sản và góp vốn. Đề nghị cân nhắc rõ hơn về nội dung này trong dự thảo để bảo vệ tài sản nhà đầu tư", ông Thịnh nói.
Theo quan điểm của ông Thịnh, nhà đầu tư là tổ chức kinh tế được thành lập theo pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp, nếu chuyển sở hữu tài sản cho nhà trường tạo lên 2 pháp nhân, 2 hệ thống kê toán, không đạt mục tiêu làm rõ vốn đầu tư mà tạo lên mâu thuẫn trong thực tế, không bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Theo đó, tổ chức kinh tế không cần chuyển quyền sở hữu cho nhà trường bởi vốn góp đã định danh. Quy định này chỉ nên áp dụng với các nhà đầu tư cá nhân.
Con hư đừng đổ cả cho nhà trường
Trao phần phát biểu, Đại biểu Phạm Trọng Nhân của Bình Dương đề cao trách nhiệm của gia đình đối với giáo dục. Lấy ví dụ về những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia vừa bị phát hiện, xử lý, ông Nhân khẳng định ngành Giáo dục đang là tâm điểm của dư luận. Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của ngành, cần phải suy xét đến trách nhiệm của gia đình trong sự việc làm rúng động cả nước.
"Không chỉ riêng nhà trường, gia đình cũng góp phần xây dựng lên nhân cách con người. Tuy nhiên, trong vụ việc này, gia đình đã không còn là thành trì bảo vệ con em trước cái xấu mà ngược lại", ông Nhân nhấn mạnh.
Theo vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, không thể khoán trắng trách nhiệm cho nhà trường. Sẽ rất bất công khi đổ hết trách nhiệm cho thầy cô giáo trước những hành xử thiếu quy chuẩn của trẻ con. Hành xử lệch chuẩn giữa con người với con người xảy ra hàng ngày, hàng giờ, trong từng ngóc ngách của xã hội và trong chính ngôi nhà. Ông Nhân bỏ ngỏ câu hỏi vì sao số gia đình văn hóa ngày càng nhiều nhưng những hành vi phi giáo dục cũng vậy.
"Trên truyền thông, mạng xã hội, những nghĩa cử cao đẹp, tôn vinh con người lép vế hơn hẳn so với những hành vi lệch chuẩn. Nhà trường, thiếu gia đình, không thể thực hiện được vai trò tạo nên nhân cách con người", ông Nhân nhấn mạnh.