Đại biểu Quốc hội Bắc Giang: Thu từ đất không khác gì hút dầu, xúc than lên để bán!
Chiều ngày 5/11, Quốc hội tiếp thục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia...
- 05-11-2020Đề xuất thành lập lực lượng cứu nạn, cứu hộ độc lập
- 05-11-2020Đưa các tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị để nền kinh tế 'cất cánh'
- 04-11-2020Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng kỷ lục
Đẩy nhanh năng suất lao động để nền kinh tế bứt phá hơn nữa
Liên quan đến năng suất lao động, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) phát biểu, theo số liệu năm 2017, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội của Việt Nam là 6,81%. Mặc dù đây được coi là mức tăng trưởng cao so với chỉ tiêu đặt ra, nhưng lại rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Đến năm 2019, năng suất lao động ở Việt Nam đã cao hơn so với năm 2017, song vẫn chưa vượt qua các quốc gia như Myanmar, Campuchia, Lào. Đại biểu Minh nhận định: "Nếu cả nước ta và nước bạn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, sau khoảng 20 năm nữa, năng suất lao động của nước ta mới bằng được với nước bạn. Điều này là khó chấp nhận".
Đại biểu Trần Văn Minh nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đòi hỏi sự bứt phá hơn nữa. Bên cạnh đó, cần lưu ý việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, cần lưu tâm các hoạt động liên quan đến năng lượng nhiệt điện than, điện gió.
Đề xuất nâng cấp các tuyến giao thông nối duyên hải miền Trung
Về vấn đề mạng lưới giao thông, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) nhận xét mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh và khu vực đang yếu và thiếu. Mặc dù tỉnh hiện có 7 quốc lộ đi qua với hơn 700km đường và 140 cây cầu nhưng các tỉnh lộ, quốc lộ, đường nội đô đã xuống cấp trầm trọng và không có chỗ lưu thông được như đường 14C.
Ông Trần Văn Minh đề cập: "Trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông thuộc Tây Nguyên, 4 tỉnh chưa có một mét đường cao tốc nào". Theo đó, ông Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT nhanh chóng nghiên cứu kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông của tỉnh. Đây đều là các tỉnh nghèo, không đủ ngân sách để bố trí.
Cuối cùng, đại biểu Trần Văn Minh bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo để các tỉnh Tây Nguyên sớm có các tuyến cao tốc nối xuống duyên hải miền Trung, điển hình như Đắk Lắk - Nha Trang, Đắc Nông - Bình Phước, Gia Lai - Bình Định, Kon Tum - Quảng Nam. Đây là các tuyến huyết mạch giúp lưu thông hàng triệu tấn hàng hóa của Tây Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hai kịch bản về Covid-19 vào năm 2021
Liên quan đến đại dịch Covid-19, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), cần có các kịch bản về dịch vào năm 2021, từ đó có phương án điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, kịch bản thứ nhất đó là vắc-xin điều trị hiệu quả, dịch bệnh kiểm soát tốt, kinh tế phục hồi. Khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt hơn 6% là khả thi.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Kịch bản thứ hai, vắc-xin không hiệu quả, dịch bệnh bùng phát, thì tăng trưởng kinh tế đất nước chỉ có thể đạt cao nhất ở mức 4-5%. Bởi vậy, cần đầu tư nhiều hơn vào y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, nhất là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, cần liên kết với các trung tâm quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin.
Liên quan đến ứng phó với thiên tai, ông Ngân đồng ý với kiến nghị rằng Chính phủ trích một phần trong quỹ dự phòng 35.000 tỷ đồng chi cho các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai. Ông cũng đề xuất: "Để giải quyết bài toán lũ lụt một cách căn cơ, cần lên phương án quy hoạch cụ thể và chuyển người dân đến nơi an toàn"
Dễ dãi trong khai thác tài nguyên sẽ dẫn đến dự án không cần thiết
Đánh giá bức tranh kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, bức tranh tài chính ngân sách năm 2020 tuy kém, nhưng trong tổng thể cả giai đoạn thì vững chắc hơn trước, Chính phủ có dư địa để ứng phó với tình hình dịch bệnh trong năm nay.
Thêm vào đó, đại biểu Lâm chỉ ra, việc tăng bội chi so với dự toán đầu năm nhằm bù đắp hụt thu khi thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo nguồn lực chi cho phòng chống dịch, hỗ trợ nhóm đối tượng bị ảnh hưởng là phù hợp. Đặc biệt đó là giữ nền kinh tế không bị đổ vỡ sau giai đoạn đại dịch.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang)
Đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho rằng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 có vẻ quá thận trọng. Ông lý giải: "Dự báo kinh tế nước ta còn khó khăn giai đoạn đầu nhiệm kỳ, nhưng được đánh giá là khá sáng sủa, thậm chí được coi là 'ngôi sao đang lên' trong các nền kinh tế trên thế giới. Bởi vậy, sự thận trọng này sẽ làm kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, khó khăn cho việc cơ cấu lại nền ngân sách".
Đối với chính sách thu, ông Lâm nhận định rằng cần điều chỉnh bởi thời gian qua, khả năng huy động ngân sách giảm tương đối, gây ra nhiều bất cập. Đáng chú ý, nguồn thu từ đất có ý nghĩa hỗ trợ địa phương phát triển, song về lâu dài, sẽ phát sinh vấn đề trong khai thác. Mặc khác, ngân sách Trung ương phải giảm nguồn thu từ tài nguyên, ngân sách địa phương lại phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ đất.
Đại biểu Bắc Giang nói thêm: "Thu từ đất không khác gì hút dầu, xúc than lên để bán". Theo đó, khai thác quá mức nguồn tài nguyên này có thể làm suy giảm nguồn dự trữ cho tương lai. Ngoài ra, việc sử dụng dễ dãi sẽ dẫn đến những dự án không cần thiết, gây lãng phí lớn.