MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Còn cho vay thì còn nợ xấu

08-06-2017 - 07:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Phát biểu thảo luận tại hội trường về xử lý nợ xấu ngày 7/6, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đoàn Hà Nội, là chủ tịch HĐQT ngân hàng VietinBank cho rằng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nợ xấu phát sinh là vấn đề tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu.

Đồng quan điểm này, đại biểu Mai Sỹ Diến của đoàn Thanh Hóa cũng khẳng định, trên thực tế nợ xấu không phải vấn đề cá biệt của riêng quốc gia nào, ngược lại nợ xấu mang tính chất thường xuyên xảy ra đối với hoạt động tín dụng trong cơ chế thị trường. Nói cách khác, không một hoạt động tín dụng nào không có nợ xấu. Và đại biểu khẳng định việc xử lý triệt để nợ xấu phấn đấu đến 0% là không thể.

Do nợ xấu song hành cùng hoạt động tín dụng nên nhiều ý kiến cũng đề xuất không nên giới hạn phạm vi xử lý nợ xấu là từ 31/12/2016 trở về trước mà nên áp dụng với cả các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết hoặc tiếp tục điều chỉnh sau khi Nghị quyết hết hiệu lực.

Lãnh đạo VietinBank cho rằng, nợ xấu cần xử lý càng nhiều càng tốt. Trước đó trong phiên thảo luận tại tổ, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện là Trưởng Ban kinh tế trung ương cũng cho rằng không nên giới hạn quy định xử lý nợ xấu đến ngày nào mà nên quy định xử lý nợ xấu theo nghị quyết đến khi nào mặt bằng pháp luật đồng bộ thì chuyển sang làm theo luật. “Nợ xấu nào chả là nợ xấu? Hôm qua, hôm nay hay ngày mai có phát sinh thì vẫn là nợ xấu, phải chăng nợ xấu hôm trước có gì đặc biệt, quy định như thế phải chăng có gì ưu ái với các khoản nợ xấu cũ?” ông Bình nói như vậy tại phiên thảo luận hôm 26/5.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ngày 6/7 cho rằng, việc giới hạn phạm vi nợ xấu được xử lý theo quy định tại nghị quyết chỉ gồm nợ xấu hiện tại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà xử lý triệt để và toàn diện nợ xấu.

Hơn nữa, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tiếp tục gia tăng là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành. Nếu nghị quyết mà có cơ chế về mặt pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại thì mới đủ cơ sở cũng như phạm vi về thời gian để chúng ta có thể xử lý một cách triệt để các khoản nợ xấu và các khoản nợ mà theo đánh giá về bản chất là nợ xấu khi đến hạn. Việc chỉ xử lý nợ xấu đến thời điểm phạm vi nhất định thì cũng tạo cơ chế không được đồng bộ. Vì một tổ chức tín dụng có khoản nợ xấu thì xử lý được theo quy định của nghị quyết nhưng cũng có khoản nợ xấu lại thực hiện theo các quy định khác của pháp luật thì rất vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc tổ chức thực hiện trên thực tế.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên