MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội kiến nghị NHNN xem xét lại dự thảo quy định về cho vay tiêu dùng, ví điện tử

31-05-2019 - 11:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu Trần Quang Chiểu thuộc đoàn Nam Định cho rằng cần xem lại quy định hạn chế các phương thức giải ngân cho công ty tài chính, hay quy định giao dịch không được quá 20 triệu một ngày với ví điện tử cá nhân.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, ngày 30-31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Góp ý về điều hành chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, qua theo dõi nhiều năm qua, điều hành chính sách của Chính phủ chia làm 2 giai đoạn có sự khác biệt rõ rệt.

Trong những năm gần đây, đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ có nhiều sự năng động, linh hoạt, tôn trọng quy luật thị trường, tương đối ăn khớp với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cùng một số chính sách kinh tế khác, nổi bật trên bốn mặt sau đây:

Một, xử lý nợ xấu nhanh và chắc. Nợ xấu là điểm nhãn, là cục máu đông trong nền kinh tế, trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong thời gian rất ngắn thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã xử lý được điểm nhãn nợ xấu này; nợ xấu từ trên 10% toàn hệ thống nay xuống còn 2,02%; xử lý số tiền trên 227.000 tỷ, đạt trên 43% tổng số nợ xấu cần xử lý.

Hai, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Chính phủ đã điều hành cung ứng đủ, song phải gắn chặt với hiệu quả vốn tín dụng; từ đó góp phần tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với cơ cấu tín dụng để phục vụ mục tiêu và nhiệm vụ chính trị như tín dụng cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho khối tư nhân.

Đến nay, tăng trưởng tín dụng chỉ xung quanh 15%/năm, trong đó năm 2018 chỉ 13,89% song GDP của chúng ta vẫn tăng trưởng trên 7%; tín dụng cho nông nghiệp phát triển nông thôn chiếm 25% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18%, cho khối kinh tế tư nhân chiếm 89%. Đại biểu đoàn Nam Định đánh giá tín dụng trong giai đoạn hiện nay là chất lượng, an toàn và hiệu quả.

"Dự Hội nghị tổng kết năm 2018 của Vietcombank, tôi thấy năm 2018 lợi nhuận của ngân hàng này gần 20 nghìn tỷ đồng; trong khi đó Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết tích cực nạn tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, nạp tiền vào ví điện tử ", ông nói.

Điểm thứ ba, trong điều hành lãi suất. Ông Trần Quang Chiểu cho rằng, bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, lạm phát dự báo tăng trở lại ở một số khu vực kinh tế mới nổi; đặc biệt việc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp. Tuy nhiên Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh nên vẫn duy trì được ổn định lãi suất huy động và lãi suất cho vay, từng bước giảm lãi suất cho vay. Thời điểm hiện nay lãi suất vay phổ biến ngắn hạn chỉ còn 6%-9%/năm.

Bốn, điều hành tỷ giá và thị trường vàng. Từ năm 2006 đến nay, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trung tâm trên thị trường ngoại tệ đã thích ứng với các cú sốc phát sinh, giảm thiểu tác động bất lợi đến tỷ giá. Tỷ giá trên thị trường của chúng ta ổn định, giảm tâm lý đầu tư ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ thuận lợi cho nền kinh tế thanh khoản, ngoại tệ tốt, dự trữ ngoại tệ tăng cao, đặc biệt tạo niềm tin của nhân dân với đồng tiền Việt Nam.

Tuy vậy, vị đại biểu Quốc hội cho rằng trong thời gian tới, trong điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ cần tập trung vào ba vấn đề:

Một là sớm và nhanh chóng giảm lãi suất cho vay do lãi suất của chúng ta hiện nay còn cao. Trong khi dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Lãi suất cao là cản trở, giảm giá thành sản phẩm, giảm chi phí xã hội và cạnh tranh của nền kinh tế.

"Tôi rất mừng khi Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam BIDV và một số ngân hàng khác đã đưa ra thông điệp tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất 0,5% trong thời gian tới", ông nói.

Hai là Chính phủ cần sớm có giải pháp huy động nguồn ngoại tệ vào trong dân phục vụ cho nền kinh tế. Hằng năm, đất nước chúng ta phải vay nước ngoài nhiều tỷ đô la để bù đắp bội chi và trả nợ gấp với lãi suất không thấp trên 6% trong khi lượng vàng và ngoại tệ trong dân còn rất lớn.

Ba là Ngân hàng nhà nước cần xem lại một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Thông tư số 39/2014 và  Thông tư 43/2016 như hạn chế các phương thức giải ngân cho các công ty tài chính, hay mỗi người chỉ được mở một ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ hoặc không được giao dịch quá 20 triệu đồng một ngày hoặc người người tiêu dùng phải khai báo lại mặc dù đã có thông tin định danh theo tài khoản ngân hàng.

Ông cho rằng, những nội dung trên nếu được ban hành sẽ cản trở thực hiện về kinh tế số và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngọc Bích

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên