Đại biểu Quốc hội ngành công an tâm tư chuyện phong tướng cho Giám đốc công an tỉnh
Trong phiên thảo luận ở tổ chiều 7/6, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (tỉnh Nghệ An) cũng là Giám đốc công an tỉnh này chia sẻ tâm tư về câu chuyện 205 vị trí được phong tướng của ngành.
Là người thứ 3 phát biểu tại tổ khi thảo luận về Luật Công an Nhân dân sửa đổi, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ tâm tư về chuyện phong tướng với các giám đốc công an tỉnh. Theo vị đại biểu hiện là Giám đốc công an tỉnh Nghệ An thì "một trong những việc mà chúng tôi nói là không phân tâm thì không đúng, rất nhiều đồng chí phân tâm vì việc này".
Vị đại biểu đến từ ngành công an cho biết, Bộ Công an là một trong những bộ đầu tiên "thực hiện cuộc cách mạng thay đổi toàn diện hệ thống tổ chức ". Theo đó, Bộ này từ chỗ có 6 tổng cục, 126 cục, giờ không còn cấp tổng cục (bỏ cấp trung gian) và nhập 126 cục còn 60 - giảm hơn một nửa. "Nếu không có bộ đi đầu thì không biết đến bao giờ mới bỏ được cấp trung gian", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhận xét.
Tuy nhiên, khi thực hiện sự thay đổi lớn đó thì vị đại biểu hiện là Giám đốc công an tỉnh có mối băn khoăn lớn ở câu chuyện "phong quân hàm cấp tướng thế nào cho phù hợp?".
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thông tin, hiện nay, Bộ Công an được phong quân hàm cấp tướng là 205 trường hợp; trong khi đó, với quân đội nhân dân là 415 trường hợp; hay nói cách khác "Quân đội = Công an x 2 + 5". Cũng từ con số này, đại biểu Cầu đưa ra 3 phân tích.
Thứ nhất, quân hàm cấp tướng với công an phần lớn chỉ bố trí cho cấp cục trở lên; còn lại công an địa phương chỉ còn công an TPHCM và Hà Nội. Từ 126 còn 60 cục thì quân hàm cấp tướng vẫn là 205. Theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị thì phải giải quyết thật tốt chế độ chính sách cho những đơn vị có liên quan. "Rõ ràng, quân hàm cấp cục chắc chắn sẽ không bao giờ xử lý hết được, đây là một thực tế", đại biểu Cầu nhận xét.
Vấn đề thứ hai là việc phong quân hàm cấp tướng của Bộ Công an. Theo vị đại biểu là Giám đốc công an tỉnh Nghệ An, nếu quân hàm đi theo đồng lương thì nguyên tắc phải phân bổ theo sức lao động. Tuy nhiên, cùng một chức danh với nhau, Giám đốc công an Hà Nội và TPHCM với giám đốc công an các tỉnh khác thì một người quân hàm trung tướng (vượt 2 cấp), còn giám đốc tỉnh khác chỉ được đại tá.
Thậm chí, phó giám đốc công an TPHCM, Hà Nội với giám đốc công an các tỉnh khác thì công an TPHCM, Hà Nội vẫn là thiếu tướng, còn giám đốc các tỉnh khác chỉ là Đại tá.
"Theo quy định trong Luật Công an Nhân dân, với bộ máy tổ chức của công an thì Giám đốc công an tỉnh chắc chắn là tương đương với nhau và tương đương với chức cục trưởng. Tại sao lại có chuyện giám đốc lại thấp hơn phó giám đốc như vậy?", đại biểu Cầu nêu câu hỏi.
Bất cập thứ hai cũng ở chuyện phong tướng là Giám đốc công an TP.HCM, Hà Nội là trung tướng, trong khi tổng cục phó là cấp trên thì cấp bậc chỉ có thiếu tướng.
Bất cập thứ ba là công an ở các đơn vị địa phương, có những đơn vị quản lý 5.000-6.000 quân, mỗi năm giải quyết từ 2.500-3.000 vụ án hình sự là một trong những bộ thu nhỏ của địa phương. "Công việc rất lớn, rất nặng nề, nếu phân công theo sức lao động thì so với các cục nghiệp vụ, có những cục chỉ 80 quân thôi… Nếu căn cứ vào công sức bỏ ra thì đây là những điều bất hợp lý”, đại biểu này nhận xét.
Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho biết, lần này nhiều địa phương đề nghị Bộ nên tính toán lại và "khi cấp tướng ở trên bộ nhập lại không còn nữa thì điều về cho các địa phương. Còn nếu không, vừa nhập tổng cục, lại mất luôn cả một loạt tướng nữa thì không biết bố trí như thế nào".
Theo tính toán của đại biểu này: "Bộ đưa ra chủ trương là công an các tỉnh loại một được nhận quân hàm thiếu tướng có 11 trường hợp thôi, nhưng nếu sử dụng hết 205 trường hợp được phong tướng theo như quy định thì còn thoải mái".