MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Nhiều "đại gia" đều có 1 ngân hàng phía sau

06-06-2023 - 13:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu cho rằng việc sở hữu chéo ngân hàng đã được yêu cầu khắc phục ngay nhưng vẫn tồn tại và tại dự thảo luật TCTD chưa đề ra được quy định phòng ngừa tình trạng sở hữu chéo, khắc phục những hạn chế trong việc này.

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6, các ĐBQH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi - TCTD). Nhìn chung các ĐBQH tán thành Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra Dự án Luật trước Quốc hội.

Sở hữu chéo ngân hàng vẫn có, xử lý rất chậm

Quan tâm đến tình trạng sở hữu chéo trong các TCTD, Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, sở hữu chéo ngân hàng đã được yêu cầu khắc phục ngay nhưng vẫn tồn tại, chưa giải quyết dứt điểm được. Trong khi tại dự thảo luật TCTD sửa đổi chưa đề ra được quy định phòng ngừa tình trạng sở hữu chéo, khắc phục những hạn chế trong việc này. “Năm ngoái từ vụ Ngân hàng SCB liên quan đến Vạn Thịnh Phát, tôi thấy nhiều đại gia nhà mình đứng sau đều có 1 ngân hàng”, Đại biểu Huy nêu thực tế.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều "đại gia" đều có 1 ngân hàng phía sau
 - Ảnh 1.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo Đại biểu Huy, hiện một số ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng yếu kém. Cả 3 ngân hàng 0 đồng đưa ra phương án chuyển giao, dù có ngân hàng sẵn sàng tiếp nhận nhưng quá trình này diễn ra rất chậm.

Cho rằng tình trạng sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) đề nghị cần có biện pháp xử lý căn cơ. Ông Nam nêu thực trạng trên hệ thống ngân hàng hiện nay, đó là sau ngân hàng A là thấy bóng dáng của ngân hàng A’ hoặc doanh nghiệp B - phần lớn là DN bất động sản… sẽ tiềm ẩn sự thao túng, sở hữu chéo.

Do đó, ông Nam kiến nghị hai biện pháp khi sửa luật, là tăng trách nhiệm cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng có thể điều tra chống phá gian lận tài chính, gian lận trong sở hữu tỷ lệ cổ phần của cổ đông lớn ngân hàng. Rà soát để thống nhất với các luật khác, nhưng cần có các quy định để thanh lọc hệ thống ngân hàng.

Về nợ xấu của các ngân hàng, theo Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng nợ xấu đang tăng trong hệ thống. Nghị quyết 42 sau thời gian thực thi cũng gặp vướng mắc liên quan tới bán, tịch thu tài sản đảm bảo do “vênh” với các luật khác. Do đó, Nghị quyết này chỉ nên thực hiện trong thời hạn nhất định, nếu đưa một số nội dung của Nghị quyết này vào dự thảo Luật các TCTD cần cẩn trọng.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều "đại gia" đều có 1 ngân hàng phía sau
 - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp).

Ngân hàng chính sách cũng phải dự trữ bắt buộc, xử lý nợ xấu

Góp ý hoàn thiện dự án Luật các TCTD trong phạm vi điều chỉnh, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị tất cả các ngân hàng, TCTD đều phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của NHNN và phạm vi điều chỉnh của Luật này. Đối với mua - bán nợ, Đại biểu đề xuất ngoài 2 công ty của nhà nước, nếu có công ty ngoài nhà nước có đủ khả năng và điều kiện đúng theo quy định của luật và ngành ngân hàng cũng nên cho họ thực hiện việc mua - bán nợ.

Liên quan đến việc dự trữ bắt buộc, Đại biểu Hòa lưu ý quy định dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng chính sách xã hội. Do ngân hàng chính sách hoạt động bằng ngân sách nhà nước phục vụ cho các đối tượng yếu thế vay vốn bằng tín chấp, không có tài sản đảm bảo nên hiện nay khả năng thu hồi vốn của ngân hàng chính sách là rất khó khăn hoặc không thể thu hồi được.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều "đại gia" đều có 1 ngân hàng phía sau
 - Ảnh 3.

Ông Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đồng thời, Đại biểu cũng đề xuất đưa ngân hàng chính sách vào dạng xử lý nợ xấu, vì quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng này rất khó khăn do không có tài sản đảm bảo. “Nếu quy định ngân hàng chính sách không phải xử lý nợ xấu khiến các đối tượng vay vốn vô tội vạ, không trả gốc trả lãi tiền vay từ ngân sách nhà nước, chính là tiền của toàn dân không phải của riêng ai”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.

Ủng hộ xử lý nợ xấu thông qua tài sản đảm bảo, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa nên luật hóa Nghị quyết 42 để đảm bảo xử lý tài sản thế chấp theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo quyền lợi của ngân hàng trước, sau mới đến các đối tượng khác có quyền lợi tài sản.

Áp lực sớm thông qua Luật

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nên thông qua Luật TCTD trong 2 hoặc 3 kỳ họp Quốc hội. Bàn về tiến trình này, ông Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề xuất, nên xem xét và thông qua luật này trong 3 kỳ, bởi đây là luật hết sức quan trọng có tác động rất lớn đến nền kinh tế.

“Theo quy trình đến 1/10 tới, dự thảo Luật phải được tiếp thu và thẩm tra lấy ý kiến xong chờ Quốc hội thông qua, nhưng từ nay đến đó chỉ có 3 tháng là thách thức rất lớn nên đề nghị thông qua Luật này trong kỳ họp thứ 5, 6 hoặc 7 năm 2024”, ông Hiếu bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều "đại gia" đều có 1 ngân hàng phía sau
 - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình),

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), vấn đề xử lý nợ xấu sau ngày 31/12/2023 phải thực hiện theo Luật các TCTD, vì vậy phải sửa Luật các TCTD để có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Với tinh thần như vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2023 bổ sung Luật các TCTD vào chương trình của Quốc hội và trình Dự thảo Luật các TCTD vào kỳ họp thứ 5, thông qua trong kỳ họp thứ 6 để có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. “Nếu không kịp, từ ngày 1/1/2024 vấn đề xử lý nợ xấu hết hiệu lực nhưng Luật các TCTD lại không xử lý được vì không có quy định về xử lý nợ xấu”, ông Định lưu ý./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên