Đại biểu Quốc hội nói gì về cao tốc Cam Lộ-La Sơn 2 làn xe?
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thực sự lo ngại khi lưu thông trên tuyến cao tốc hai làn xe Cam Lộ-La Sơn và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông cần quan tâm đặc biệt các điểm thường xảy ra tai nạn.
- 21-02-2024Rà soát, điều chỉnh giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn sau tai nạn nghiêm trọng
- 20-02-2024Bộ Giao thông vận tải nói gì về thiết kế cao tốc Cam Lộ - La Sơn?
- 19-02-2024Thủ tướng yêu cầu rà soát cao tốc Cam Lộ - La Sơn và các tuyến chỉ có hai làn xe
Từ vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 18/2 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn , có hai vấn đề cấp thiết đặt ra là việc tổ chức giao thông và tiêu chuẩn về làn xe đối với cao tốc.
Trao đổi với Tiền Phong , TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, từ vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn có thể nhìn nhận thực trạng đường cao tốc hiện nay với bối cảnh kinh tế Việt Nam đang khó khăn. Chính vì vậy mới phải phân kỳ đầu tư, song quy mô đầu tư một số đoạn cao tốc 2 làn xe luôn ẩn chứa nguy cơ tai nạn giao thông.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) nhìn nhận, đối với các tuyến đường cao tốc, ai cũng mong muốn sẽ có tốc độ đáp ứng yêu cầu, đảm bảo lưu thông và an toàn. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự lo lắng mỗi lần lưu thông vì đường cao tốc lại không có dải phân cách giữa, hệ thống biển báo cần thiết cũng thiếu và phải một đoạn rất xa mới có điểm dừng.
“Chúng tôi rất ngại lưu thông trên cao tốc này, nhưng thực tế lại không có lựa chọn nào khác khi đi vào các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…”, đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế bày tỏ.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trước đây, chỉ có trục đường từ Bắc vào Nam là Quốc lộ 1, nay đã có thêm những đoạn cao tốc Bắc – Nam đưa vào vận hành, cho thấy công việc làm được của ngành giao thông rất lớn. Tuy nhiên, nếu tai nạn tiếp tục xảy ra thì dư luận sẽ nhìn nhận theo chiều hướng thiếu tích cực sẽ lớn dần, có thể phủ nhận cả những thành tựu ngành giao thông.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, vấn đề cao tốc đã từng được đề cập nhiều tại diễn đàn Quốc hội. “Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GTVT nói chung và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói riêng. Việc giải trình của Bộ trưởng trước các câu hỏi của Quốc hội chúng tôi cũng thấy rất trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi mong muốn rằng, Bộ trưởng cần quyết liệt hơn, quan tâm hơn, đặc biệt với những điểm thường xảy ra tai nạn”, bà Sửu nêu.
Là đại biểu của tỉnh chuyên trách của tỉnh Thừa Thiên Huế, trước mắt, đại biểu dân cử mong muốn nhà chức trách kịp thời bổ sung các các biển báo giao thông trên tuyến đường. Còn về lâu dài, trong một vài năm tới cần phải nghiên cứu mở rộng làn đường cao tốc đoạn qua Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đối với hệ thống đường cao tốc, cần thiết phải nghiên cứu phương án tiếp tục đầu tư hoàn thiện 4 hoặc 8 làn xe tuỳ thuộc vào lưu lượng, điều kiện khu vực đi qua.
“Nếu không đảm bảo kinh phí và thực hiện được toàn bộ quy mô đầu tư hoàn thiện trên, chúng ta cần chú trọng xây dựng làn dừng xe khẩn cấp, điểm/trạm dừng nghỉ cho người tham gia giao thông, tránh vấn đề người lái xe chạy quá sức, giảm thiểu tai nạn giao thông”, ông Lộc nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, không ai muốn tạo ra nút thắt cổ chai ở các cung đường như tại Cam Lộ - La Sơn, nhưng kinh phí giới hạn chỉ dừng lại ở việc phân kỳ đầu tư nên trước mắt cần có phương án tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo nâng cao ý thức người tham gia giao thông để đảm bảo an toàn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cũng mong muốn sau khi thị sát, Bộ GTVT có những báo cáo, kết luận cho Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về nguồn lực để giải pháp đưa ra giải pháp phù hợp, đồng thời báo cáo ra trước Quốc hội.
“Đầu tư cho cao tốc cần nguồn lực rất lớn, nên cần có sự đánh giá, phân tích thật kỹ về vấn đề ngân sách đầu tư. Cao tốc phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu 4 làn xe. Chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải đầu tư làm đường cao tốc cho thực sự đúng tầm, đúng kỹ thuật, thiết kế để đảm bảo an toàn”, bà Sửu cho hay.
Theo đại biểu, điều này không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, cho xã hội, cho đất nước mà còn đảm bảo an toàn tính mạng con người tham gia giao thông, để người dân an tâm lưu thông trên tuyến đường.
“Là đại biểu Quốc hội chuyên trách của địa phương, sau nhiều lần kiến nghị bằng văn bản và kiến nghị trực tiếp, chúng tôi đều mong muốn các bộ, ngành, đặc biệt ngành giao thông có khảo sát, đánh giá kịp thời, từ đó đưa ra những giải pháp và trình Chính phủ, Quốc hội, khắc phục những bất cập không chỉ trên tuyến đường này và các đoạn đường khác liên quan”, Nguyễn Thị Sửu nêu.
Tiền phong