MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Tránh “rải mành mành” trong đầu tư công

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ nên ưu tiên những công trình trọng điểm, công trình cấp bách, tránh đầu tư theo kiểu “rải mành mành”.

Đề cập đến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, nhiều đại biểu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cho rằng, cần phải chọn một số ngành trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, đặc biệt là du lịch để tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, tránh tình trạng đầu tư theo kiểu “rải mành mành”

Chọn lĩnh vực đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao

Ông Phạm Quang Thanh, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, nhấn mạnh: Việc đầu tư dàn trải là nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả đầu tư không cao, nợ nhiều. Theo ông Thanh, cần phải tập trung vốn đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao, mang lại hiệu quả ngay.

Vị đại biểu này lấy ví dụ về đầu tư ít tốn kém nhưng lợi nhuận lớn như đầu tư vào cho du lịch hay công nghệ thông tin, đầu tư vào con người... Mặt khác, cũng nên chọn để đầu tư vào các vùng trọng điểm chứ không dàn trải.


Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh

Đại biểu Quốc hội Phạm Quang Thanh

Đồng quan điểm với ông Phạm Quang Thanh, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đoàn Hà Nội lưu ý, để phát triển thành công, cần tạo cho những ngành “mũi nhọn” các cơ chế chính sách và sự quan tâm thích đáng. Báo cáo Chính phủ cũng nói đẩy mạnh phát triển du lịch và đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, theo ông Hưng, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần đặt du lịch ở vị trí tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước, coi du lịch là một ngành kinh tế.

Có một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xác định thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý, đầu tư công là một vấn đề rất quan trọng và phải đi vào ngành xương sống, chẳng hạn như là ngành giao thông. “Đường cao tốc Bắc - Nam trọng tâm từng đoạn, từng đoạn một để hoàn thành. Tôi đề nghị cần cân nhắc thật kỹ đoạn nào đã hoàn thành, đoạn nào phải báo cáo Quốc hội. Trong cơ cấu đầu tư nên gắn với tiền bạc, nên nói rõ đầu tư để nâng cao chất lượng,” bà Tòng Thị Phóng nêu ý kiến.


Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Giám sát chất lượng đầu tư công

Theo đại biểu Nguyễn Nhân Chiến, đoàn Bắc Ninh, hiện công tác kiểm tra giám sát chất lượng công trình của quá trình đầu tư còn nhiều hạn chế, và chưa kịp phát hiện những vấn đề bất cập để điều chỉnh kịp thời, xem xét và có sự quản lý chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến cũng cho rằng, cần phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, tuy nhiên, các nghị định và thông tư về các bước trình tự cần có sự “mềm hóa” để không bị rườm rà các thủ tục kéo dài thời gian, tiếp tục khắc phục những hạn chế thiếu sót trong thời gian qua.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đầu tư công cần có trọng tâm trọng điểm, nâng cao hơn nữa kỷ luật kỷ cương tài chính, giảm dần tạm ứng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phạm Phú Quốc đoàn TP HCM, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM, cho hay thất thoát lãng phí trong đầu tư cần phải được quan tâm hàng đầu. Cần phân bổ đầu tư trong phát triển để tạo sức lan tỏa. Nên đánh giá lại các dự án đầu tư công. Hiệu quả của đầu tư công sẽ thúc đẩy sự phát triển của tổng thể nền kinh tế.

Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, nêu quan điểm: Nguồn lực hiện nay còn hạn hẹp, đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu trọng tâm trọng điểm. Đây không chỉ là yếu kém trong quản lý, mà còn bao gồm lợi ích nhóm chi phối.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, cần tránh lãng phí, thất thoát, phải sử dụng hiệu quả, minh bạch vốn đầu tư công, đẩy mạnh tái cơ cấu để đạt được mục đích cuối cùng xuyên suốt là làm cho nội lực nền kinh tế mạnh lên, đời sống nhân dân được cải thiện.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban, cho biết việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; phải gắn với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030…


Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Hải cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước và thực trạng nợ công hiện nay, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với khả năng cân đối từ nguồn ngân sách, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, dự báo chính xác tác động của kinh tế thế giới liên quan đến khả năng huy động nguồn vốn nước

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cũng lưu ý, kế hoạch đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc lựa chọn mục tiêu, định hướng cấp bách để ưu tiên đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải là rất cần thiết. Cần cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của cả nước./.

Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên