MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Vì sao hàng Trung Quốc sang Việt Nam dễ, mà hàng Việt Nam sang Trung Quốc khó?

Đại biểu Quốc hội: Vì sao hàng Trung Quốc sang Việt Nam dễ, mà hàng Việt Nam sang Trung Quốc khó?

Liên quan đến việc giải quyết ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đặt vấn đề: "Chúng ta có tiến hành các hoạt động giao thiệp, tuy nhiên, tình trạng diễn ra trong những năm vừa qua là khi giao thiệp, các cửa khẩu được mở, còn khi công tác này không được tiến hành thì lại đóng. Câu chuyện ở đây, chúng tôi muốn Bộ trưởng nói rõ hơn về các giải pháp cơ bản. Bộ trưởng có nói về quy hoạch sản xuất nhưng quy hoạch phải tính đến việc ứng phó với các biện pháp từ phía bạn. Vừa qua, nước bạn nâng hàng rào kỹ thuật hàng hóa lên nhiều, trong khi chúng ta thì không nâng hàng rào kỹ thuật từ phía chúng ta, nên có tình trạng hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất dễ, mà hàng chúng ta sang Trung Quốc khó".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực tế, chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam và nước bạn (Trung Quốc - PV) là có khác biệt, đến thời điểm này là không giống nhau. 

"Ta thì thích ứng an toàn, bạn thì "zero-covid", nên thời điểm trước Tết, mặc dù hàng hóa ùn ứ rất lớn, nhưng chúng ta cũng tích cực giao thiệp. Việc giao thiệp chủ yếu để bàn phương thức giao nhận hàng hóa để an toàn cho cả hai bên, vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân là trên hết" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Qua giao thiệp, chúng ta hình thành được phương thức giao nhận hàng hóa, hình thành luồng xang và các vùng an toàn như vậy. Thời điểm đó, dịch của chúng ta chưa nghiêm trọng và phía bạn vẫn đang kiểm soát tốt, nên hàng thông quan tốt.

Song, sau Tết, dịch bùng phát ở phía Bắc, đặc biệt là khu vực biên giới. 3 cửa khẩu tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, phía bạn phải lock (phong tỏa) cả thành phố. Cùng với chính sách "zero-covid" và các sự kiện lớn diễn ra ở nước bạn, thì các cửa khẩu lại đóng.

Bộ trưởng cho biết, việc đóng mở cửa khẩu là trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, hàng nông sản đạt tiêu chuẩn hay không không chỉ là trách nhiệm của ngành Công thương. Song, theo Bộ trưởng, các Bộ Ngoại giao, Công thương, Nông nghiệp cũng đã phối hợp rất tốt để giải quyết bài toán này.

Về các biện pháp kỹ thuật, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Ngoại giao là trên hết, khi không ngoại giao được mới phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật".

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn. Ngay cả các quốc gia ở rất xa vẫn tìm đến Trung Quốc để giao thương, thì không lý gì chúng ta không bán cho họ. Không chỉ Trung Quốc, mà các quốc gia đều đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải tuân theo quy định. 

"Chúng ta, với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, thì rất khó" - Bộ trưởng nói và khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung, đặc biệt là nông nghiệp đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo các tiêu chuẩn, sát với từng thị trường. 

Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ. Có gì làm nấy. Có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.

Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.

Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

https://cafef.vn/dai-bieu-quoc-hoi-vi-sao-hang-trung-quoc-sang-viet-nam-de-ma-hang-viet-nam-sang-trung-quoc-kho-20220316100711589.chn

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên