MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Formosa có lý lịch không tốt, không thể để tiếp tục tàn phá môi trường

Đó là quan điểm được đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM Trần Hoàng Ngân đưa ra khi nói về những tác động và hệ lụy của dự án thép Formosa đối với môi trường biển miền Trung.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing
60 bài viết

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội sáng ngày 21/7, ông Ngân cho rằng sau hơn ba tháng điều hành của bộ máy Chính phủ mới, mặc dù GDP không đạt được như mục tiêu đề ra khi mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.

"Song điều quan trọng hơn là kinh tế đang đi đúng hướng, chứ không phải chỉ số tăng trưởng cao hay thấp" - ông Ngân khẳng định.

Dẫn chứng, là trong 6 tháng đầu năm chỉ số VN-Index tăng trên 100 điểm, mức tăng trưởng là trên 20%. Ông Ngân cho biết cũng khá ngạc nhiên về mức tăng trưởng này của thị trường chứng khoán trong khi tăng trưởng GDP thấp, song khi trực tiếp đi hỏi các nhà đầu tư, thì họ trả lời rằng do yếu tố niềm tin.

Ông nói: "Họ tin tưởng bộ máy Chính phủ mới sẽ làm quyết liệt, mạnh tay trong việc tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và Việt Nam đang quyết tâm chống tham nhũng, quyết liệt xử lý các dự án, cả tham nhũng và môi trường. Thị trường đang nhìn thấy triển vọng tương lai, đặt niềm tin vào sự triển vọng đó và tin tưởng bộ máy mới, sẽ cải thiện tốt".

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cho rằng, có nhiều lo ngại trong các vấn đề xã hội như biến động thiên tai, hạn hán, ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp, nông thôn. Do khu vực này có tới 60 – 70% dân số đang sống, nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến ổn định đời sống, hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Ngoài ra, vấn đề trong cơ cấu quản lý Nhà nước về xã hội, môi trường, trật tự và an toàn vệ sinh thực phẩm theo ông Ngân cũng đang có vấn đề. Việc phân công, phân cấp trong vấn đề xử lý chất thải hiện không ổn, điển hình như vụ việc liên quan đến việc xả thải của nhà máy thép của Formosa.


Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Trần Hoàng Ngân

Chính phủ đã công bố nguyên nhân sự cố cá chết hàng loạt tại miền Trung. Nhưng sau vụ việc này theo ông điều gì rút ra từ việc cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài?

Lãnh đạo Chính phủ mới nhận nhiệm vụ đã tập trung xử lý ngay vụ việc, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Nhưng vấn đề nhà đầu tư Formosa là nhà đầu tư đã từng có "lý lịch" về mặt môi trường là không tốt, đáng lý ra thì phải được ưu tiên hàng đầu về đầu tư và giám sát. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI thời gian qua.

Chúng ta đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường, và cần phải được thể hiện xuyên suốt trong giai đoạn tới. Cần huy động vốn FDI, nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá.

Câu chuyện của Formosa không còn là của Hà Tĩnh mà là các vấn đề liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, đến ngành về kinh tế biển, ngành về du lịch và cả đất nước, nền kinh tế quốc gia. Do đó, vấn đề Formosa khi giải quyết phải xem đây là vấn đề quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay sở TNMT tỉnh để giải quyết. Cần phải có một Ủy ban quốc gia giải quyết vấn đề này.

Trong đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Khoa học và Môi trường phải tăng cường giám sát. Đây là nội dung cử tri đã đặt hàng, nên phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri, dự án này có xứng đáng tồn tại hay không.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên dừng dự án Formosa, nhưng hệ lụy để lại rất lớn khi Formosa rót tới hàng chục tỷ vào Việt Nam và nhà đầu tư sẽ có cái nhìn xấu về môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Chính phủ nên có giải quyết minh bạch trong các vấn đề về môi trường, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà tất cả DN hoạt động trên đất nước Việt Nam. Theo đó, cần rà soát lại toàn bộ vấn đề môi trường, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không ảnh hưởng môi trường Việt Nam.

Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả đầu tư có, nhưng cũng sẽ không lớn bằng hậu quả mà để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường, lại tiếp tục tàn phá môi trường. Nên chúng ta phải chấp nhận và thuyết phục để các nhà đầu tư khác không bị ảnh hưởng, trên cơ sở khoa học.

Hiện Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều vốn đầu tư rót vào Việt Nam. Chúng ta đang cần thu hút vốn FDI trong xu thế hội nhập, nhưng làm việc phải rõ ràng minh bạch và có cơ sở rõ ràng. Nên ta phải có Ủy ban giám sát, để làm rõ và công bố sớm trong việc dừng dự án này.

Ông có thể đưa ra một vài gợi ý bước đầu trong việc khắc phục hệ quả từ vụ việc này?

Cần nhanh chóng khắc phục hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân đang bị tổn thương từ môi trường biển. Ngành du lịch biển miền Trung cũng bị ảnh hưởng lớn, cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, rà soát phục hồi môi trường biển, kiểm tra xử lý hệ thống chất thải DN ven biển.

Hơn nữa, phải có kiến nghị kịp thời, sửa và hoàn thiện thể chế, phân công phân cấp thống nhất giao về một bộ duy nhất. Như bài học về an toàn vệ sinh thực phẩm, phân công nhiều bộ hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến an toàn cuộc sống người dân.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên