MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đại chiến' AI và giới họa sĩ

05-09-2022 - 17:33 PM | Kinh tế số

Théâtre D'opéra Spatial đoạt giải nhất tại Hội chợ triển lãm Colorado vào ngày 29-8 - Ảnh: GETTY IMAGES

Théâtre D'opéra Spatial đoạt giải nhất tại Hội chợ triển lãm Colorado vào ngày 29-8 - Ảnh: GETTY IMAGES

Một chiều cuối tháng 8, bức tranh Théâtre D'opéra Spatial của Jason Allen được xướng giải nhất tại Hội chợ nghệ thuật bang Colorado (Mỹ) và gây nên loạt tranh luận trên khắp thế giới.

Tác phẩm này do trí tuệ nhân tạo AI thực hiện và đã vượt qua hàng loạt họa sĩ thực thụ khác để giành giải.

Cuộc phục kích của AI

Jason Allen đã cài "quả bom" vào giữa trận tuyến của các nghệ sĩ. Théâtre D'opéra Spatial thể hiện một vở opera tráng lệ, ánh sáng và bóng tối đan cài trên sân khấu theo lối Baroque với những vũ công lộng lẫy. Kỹ thuật điêu luyện của tác phẩm đã chinh phục ban giám khảo.

Thế nhưng, thực tế tác phẩm này lại được tạo ra chỉ bởi vài dòng lệnh mà hầu như ai cũng có thể làm chỉ sau nửa tiếng mày mò.

Théâtre D'opéra Spatial là "tác phẩm" của hệ thống trí tuệ nhân tạo Midjourney trên nền tảng Discord. Người dùng chỉ cần tạo tài khoản, gõ những mô tả về bức tranh mình mong muốn, Midjouney sẽ tự tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau để tạo nên tác phẩm tương ứng.

Nếu tác phẩm dự thi ở hạng mục AI, chắc hẳn sẽ không có tiếng bấc tiếng chì nào. Tuy nhiên, việc Théâtre D'opéra Spatial thắng giải nhất hạng mục nghệ thuật số đã khiến giới họa sĩ nổi trận lôi đình.

Mặc cho ban giám khảo hội chợ nghệ thuật xác nhận Jason Allen đã cung cấp thông tin về Midjourney, nhiều người vẫn đồ rằng ông đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các giám khảo đối với công nghệ chuyển từ văn bản sang hình ảnh để gian lận.

Và dù sao đi nữa, những họa sĩ khác không hề hay biết mình đang phải thi đấu cùng một phần mềm máy tính. Jason và trí tuệ nhân tạo đã "phục kích" các nghệ sĩ ở nơi họ không ngờ đến, giữa một hội chợ nghệ thuật mang tính địa phương.

Bất chấp những cãi vã giữa hai phía, với cơ chế hoạt động của mình, Midjourney mang tính đạo nhái hơn là sáng tạo. AI không thể cài cắm những ẩn ý sâu xa vào các chi tiết và lý giải cách sắp đặt trong tranh - thẩm quyền của riêng họa sĩ.

Chúng chỉ kết hợp hàng ngàn, hàng vạn yếu tố để xuất dữ liệu đầu ra chứ không phải "vẽ" nên một tác phẩm.

Vấn đề khác của Midjourney hay DALL-E 2 - một phần mềm AI khác - là chúng chỉ tạo ra sản phẩm phái sinh, thay vì tác phẩm cơ sở như họa sĩ. Nếu không có những sáng tạo từ trước, AI không thể hoạt động được.

Những phần mềm tạo hình ảnh "đặt ra rất nhiều câu hỏi đạo đức, rất khó để theo dõi nguồn gốc của chúng" - cây bút công nghệ Andy Baio mới đây đã cảnh báo trên trang cá nhân.

Dù không thể ngăn sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo vào nghệ thuật, chúng ta vẫn có thể vạch ra ranh giới cho người sử dụng AI.

Chấp nhận sống chung hay trở thành tử thù?

Chỉ trong vài tháng qua, một loạt truyện tranh kỹ thuật số đã được xuất bản. Hồi tháng 6, nghệ sĩ Jordan Booker cho ra mắt 10 trang truyện kể về chuyến du hành vũ trụ của một phi hành gia. Toàn bộ hình ảnh trong truyện đều do trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm. Kế đến, nghệ sĩ Christen Bach cũng cho ra mắt tác phẩm truyện tranh mang tên Entering the Data Core.

Vào tháng 10 tới đây, họa sĩ hoạt hình Carson Grubaugh sẽ xuất bản bốn tập truyện được AI minh họa. Truyện tranh kỹ thuật số mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng đã thể hiện ma lực của chúng đối với giới sáng tạo.

Mô tả quá trình thực hiện bộ truyện, Christen Bach cho biết ông phải xem AI như một người cộng tác. Chúng ta không có quyền kiểm soát chúng hoàn toàn và phải điều hướng liên tục.

Để có 10 trang truyện, ông đã chọn ra từ hàng trăm bức ảnh. Đôi khi, Christen Bach phải thỏa hiệp với AI vì không xuất hình ảnh giống với nội dung ông đã tưởng tượng.

"Vấn đề không phải là về những bức tranh được tạo ra mà là về cách chúng ta với tư cách là nghệ sĩ hoặc người kể chuyện chọn sử dụng/ quản lý/sắp xếp những bức tranh đó" - Christen Bach chia sẻ trên blog cá nhân.

Trong công nghệ thông tin và sinh học, thuật ngữ "Cyborg" ám chỉ một sinh vật nửa người nửa máy.

Cơ khí hóa con người mang mục đích giúp nhân loại vượt qua những hạn chế thể xác và hướng đến tham vọng bất tử. Sự lai ghép giữa nghệ thuật và AI như các bộ truyện tranh kể trên có thể được xem như một phần nhỏ của tiến trình, nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Chuyện sử dụng AI trong nghệ thuật cần nhiều thảo luận để mổ xẻ. Tuy nhiên, các công ty thương mại không dành nhiều thời gian để cãi nhau. Thay vào đó, họ ra sức lạm dụng các phần mềm AI và "siết cổ" các họa sĩ bằng cách sa thải những nhà thiết kế, cắt giảm bộ phận sáng tạo.

Jason Allen cho rằng sự tức giận của giới họa sĩ không nên nhắm vào những người dùng Midjourney làm nghệ thuật mà nên dành cho những công ty chọn sử dụng AI thay vì nghệ sĩ.

Với Jason, sự phản đối của các nghệ sĩ chỉ là chiến lược đối phó trước những đe dọa trước mắt từ trí tuệ nhân tạo.

Như nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã từng gây sốc khi tuyên bố sự cáo chung của lịch sử, Jason cũng chốt hạ cuộc chiến bằng một phát biểu rùng rợn trên tờ The New York Times: "Điều này sẽ không dừng lại. Nghệ thuật đã chết. Nó đã kết thúc. AI thắng. Nhân loại thất bại".

Máy móc đã hiện diện mọi ngóc ngách trong cuộc sống, khiến những người lao động cổ xanh mất việc. Nhưng khi chúng chạm đến nghệ thuật, đền thờ thiêng của tính người, trí tuệ nhân tạo đã vấp phải sự phản kháng chưa từng có.

Một tài khoản trên Twitter bày tỏ sự tức giận: "Chúng tôi đang chứng kiến cái chết của nghệ thuật diễn ra ngay trước mắt". Jason Allen cũng chẳng vừa gì, ông lao vào cuộc khẩu chiến.

Tính sáng tạo, thủ công của Jason được thể hiện qua cách lựa chọn các kết quả và nâng cấp chúng. Jason còn khẳng định giới họa sĩ "đạo đức giả" khi vừa thóa mạ ông - một con người - và lại dám đi đòi hỏi tính người ở một tác phẩm AI.

Theo Mai Thụy

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên