MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại chiến công nghệ Mỹ - Trung: Các nhà máy sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đẩy mạnh hết công suất, bất chấp các rào cản từ phía Mỹ

05-04-2022 - 09:03 AM | Kinh tế số

Đại chiến công nghệ Mỹ - Trung: Các nhà máy sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đẩy mạnh hết công suất, bất chấp các rào cản từ phía Mỹ

Hiệu suất 2 nhà máy sản xuất chip điện tử lớn nhất tăng mạnh xuất phát từ nhu cầu tăng cao đối với chip công nghệ trưởng thành (mature-technology chips). Ba nhà máy mới được xây dựng ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đều tập trung vào chip 28 nanomet trưởng thành trở lên.

Mới đây, South Morning China Post đưa tin, các xưởng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch tăng công suất do doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục nhờ nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với các mối đe dọa của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến của họ.

Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC), doanh nghiệp chế tạo chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc cho biết, chi tiêu vốn của công ty năm 2022 sẽ rơi vào khoảng 5 tỷ USD. Phần lớn số tiền này được sử dụng cho 3 dự án nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới ở Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải cũng như mở rộng các nhà máy hiện tại.

Năm 2021, theo báo cáo hàng năm của công ty, doanh thu của chi nhánh Thượng Hải tăng lên 35,6 tỷ CNY, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, lợi nhuận ròng của công ty tăng 147% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức kỷ lục 10,7 tỷ CNY.

Trong khi đó, nhà máy sản xuất chip lớn thứ 2 Trung Quốc - Hua Hong cũng đang mở rộng công suất. Năm 2021, doanh thu của nhà máy tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1,63 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt 231 triệu USD.

SMIC và Hua Hong hiện đều không thể sản xuất các loại chip công nghệ cao thường được sử dụng cho iPhone hay các loại điện thoại thông minh Android khác.

Đại chiến công nghệ Mỹ - Trung: Các nhà máy sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đẩy mạnh hết công suất, bất chấp các rào cản từ phía Mỹ - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất chip bán dẫn. Ảnh: Reuters

South Morning China Post nhận định, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ với Mỹ đang leo thang, việc mở rộng công suất cũng phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cao năng lực tự cung tự cấp các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn.

Phía Mỹ cũng đã thêm SMIC vào Danh sách thực thể (hay còn gọi là Danh sách hạn chế thương mại) vào tháng 12/2020 vì lý do an ninh quốc gia. Các nhà cung cấp Mỹ được yêu cầu phải xin giấy phép trước khi cung cấp bất kỳ thiết bị tiên tiến nào cho SMIC.

Các quan chức cũng đã cảnh báo rằng việc SMIC tiếp cận công nghệ của Mỹ có thể sẽ bị hạn chế hơn nữa nếu công ty này bị phát hiện vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại về cung cấp thiết bị công nghệ cho Nga.

3 nhà máy mới của SMIC ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đều tập trung vào chip 28 nanomet trở lên. Công nghệ chip này tuy tụt hậu so với xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nhưng nó vẫn có lợi nhuận tốt.

Theo ông Sravan Kundojjala, nhà phân tích cấp cao tại Strategy Analytics, chia sẻ: "SMIC là xưởng sản xuất phát triển nhất trong năm 2021 và doanh thu từ chip trưởng thành của xưởng này còn lớn hơn của TSMC".

Ông cho biết thêm: "SMIC là một công ty quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh chip điện tử vì công ty này được tiếp xúc với tất cả các nhà cung cấp chip điện thoại thông minh bao gồm Qualcomm, MediaTek và Unisoc".

Mặt khác, theo ông Kundojjala, Hua Hong lại có vị thế tốt hơn trong lĩnh vực ô tô và công nghiệp so với SMIC.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy SMIC đang thu hẹp việc nghiên cứu và phát triển của mình trong bối cảnh đơn đặt hàng tới dồn dập.

Theo báo cáo hàng năm, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã giảm 17% so với năm 2020. Đội ngũ R&D cũng giảm từ 2.335 người năm 2020 còn 1.758 người vào năm 2021.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã thể hiện mối lo ngại của mình về tình trạng dư thừa năng suất sản xuất chất bán dẫn trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong bối cảnh một số lượng lớn được sản xuất ra hiện nay để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung do Covid-19.

Năm 2021, doanh số chất bán dẫn toàn cầu lần đầu tiên vượt kỷ lục 500 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới.

Nguồn: South Morning China Post

https://cafef.vn/dai-chien-cong-nghe-my-trung-cac-nha-may-san-xuat-chip-hang-dau-trung-quoc-day-manh-het-cong-suat-bat-chap-cac-rao-can-tu-phias-my-20220404160347745.chn

Anh Ngọc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên