Đại chiến thị trường giao đồ ăn: Grab và Gojek mỗi ngày nhận hàng triệu đơn hàng khắp Đông Nam Á, xử lý tổng giao dịch trị giá hàng tỷ đô mỗi năm
Grab và Gojek trở thành 2 startup hot nhất Đông Nam Á nhờ vào sức mạnh của mảng kinh doanh gọi xe. Nhưng hiện tại, họ đang trong cuộc chiến giao đồ ăn toàn cầu.
Nanik Soelistiowati – chủ một cửa hàng bánh chuối ở miền tây Jakarta là người được hưởng lợi nhiều nhất khi 2 startup công nghệ giá trị nhất châu Á là Grab và Gojek cạnh tranh với nhau.
Người phụ nữ 64 tuổi này ban đầu đăng ký dịch vụ vận chuyển đồ ăn của Gojek vào năm 2015 sau khi nghe các con giới thiệu. Với hiện trạng tắc đường xảy ra như cơm bữa ở Jakarta, dịch vụ vận chuyển này thật sự tiện lợi. Chính vì vậy món bánh chuối của Nanik bán chạy hơn và doanh thu theo đó tăng vọt.
Bà chủ cửa hàng bánh chuối ở Jakarta.
Sau đó vào năm 2017, đối thủ cạnh tranh Grab đã tiếp cận Nanik và đề nghị hợp tác với chiết khấu thấp hơn mức 15% của Gojek. Đó rõ ràng là một lời đề nghị khó có thể từ chối và cộng thêm với việc Grab luôn đưa ra những voucher giảm giá hấp dẫn cho khách hàng, nhu cầu tăng cao khiến món bánh chuối của quán bà Nanik luôn rơi vào tình trạng cháy hàng.
Grab và Gojek trở thành 2 startup hot nhất Đông Nam Á nhờ vào sức mạnh của mảng kinh doanh gọi xe. Nhưng hiện tại, họ đang trong cuộc chiến giao đồ ăn toàn cầu. Trong khoảng thời gian chỉ 4 năm, Gojek đã phát triển được lượng đối tác gồm hơn 400.000 cửa hàng, xử lý hơn 50 triệu đơn hàng mỗi tháng (tức là 1,7 triệu đơn hàng mỗi ngày) trên khắp các địa điểm từ Indonesia, Việt Nam tới Thái Lan.
Grab là đơn vị đến sau nhưng họ đã bắt kịp khá nhanh với sự trợ giúp là túi tiền rủng rỉnh được rót từ Softbank và việc thâu tóm mảng giao đồ ăn và gọi xe Uber ở Đông Nam Á vào năm 2018. Năm nay, công ty cho biết họ đã tăng được gấp 3 lần doanh thu và gấp đôi lượng cửa hàng.
Có một điều thú vị là sếp của Grab và Gojek là 2 người bạn cùng học ở trường kinh doanh Harvard. Sau khi cùng nhau về quê nhà lập nghiệp với mảng gọi xe, hiện tại họ dường như cùng nhìn thấy tia sáng trong thị trường giao đồ ăn - mảng kinh doanh mang về lợi nhuận hấp dẫn hơn so với mảng gọi xe.
"Hiện tay, thị trường giao đồ ăn nhỏ hơn đáng kể so với vận chuyển ở Đông Nam Á. Tuy nhiên doanh thu mảng này có thể phát triển ngang bằng hoặc thậm chí lớn hơn mảng vận chuyển trong 5 năm tới", một chuyên gia phân tích tại Singapore nhận định.
Trên toàn thế giới, ngành công nghiệp gọi đồ ăn trực tuyến đã phát triển thành mảng cạnh tranh cao khi các công ty đều ráo riết chiếm lĩnh miếng bánh lớn hơn trong thị trường 300 tỷ USD. Tuy nhiên tại Indonesia, mảng giao đồ ăn trực tuyến chiếm chỉ 1,3% tổng thị trường thực phẩm so với mức 8% tại Mỹ và 12% tại Trung Quốc.
"Chúng tôi mới chỉ như cưỡi ngựa xem hóa nếu so sánh với thế giới. Chúng tôi thực sự tin rằng đây là một lĩnh vực có cơ hội rất lớn", Giám đốc mảng đồ ăn của Gojek nói.
Ở khắp nơi trên thế giới, các công ty như Uber cũng đang nhanh chóng tham gia vào lĩnh vực giao đồ ăn để tìm biên lợi nhuận cao hơn, có cùng nhận định như Grab và Gojek. Bộ đôi này cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số và nhiều dịch vụ khác cho những chuyến xe của họ rồi thêm tính năng vận chuyển đồ ăn để nhắm tới là siêu ứng dụng giống WeChat tại khu vực.
Gojek – đơn vị xử lý 2 tỷ USD tổng giao dịch vận chuyển đồ ăn trong năm 2018 còn rất biết tận dụng lợi thế trong mảng vận chuyển. Công ty đã tuyển dụng nhân viên chuyên về dữ liệu và máy học để nghiên cứu về hành vi tiêu dùng và thói quen của tài xế cũng như giao thông. Vì vậy, khi một người dùng mở ứng dụng, công ty sẽ tìm xem thói quen trước đó của họ để dự đoán nhu cầu tương lai. GoFood cung cấp những lựa chọn cá nhân dựa trên những đơn hàng điển hình của người dùng và những món ăn mà họ tham gia đánh giá.
Kể từ khi Gojek mở rộng ra toàn cầu vào năm ngoái, GoFood đã xuất hiện tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và Bangkok, cạnh tranh trực diện với Grab.
Một chiến lược thành công khác của Gojek là tổ chức những "Lễ hội đồ ăn" tại Sân vận động Gelora Bung Karno, nằm ở trung tâm Jakarta - nơi Guns N’ Roses và Linkin Park biểu diễn. Một buổi tối thứ Sáu hồi tháng 6, có 50 quầy hàng bên ngoài sân vận động để cung cấp đủ các loại thực phẩm từ gà rán, sữa dừa đến kem. Mọi người ăn tại những chiếc ghế hay bàn gần đó.
Những sự kiện như vậy gọi là GoFood Festival – và nó phổ biến tới mức Gojek đã tổ chức được 30 sự kiện như thế trên khắp Indonesia. Mọi người ghé thăm các nơi này để ăn tối nhưng họ cũng có thể sử dụng ứng dụng Gojek để đặt đồ ăn giao tận nơi. Công ty hiện lên kế hoạch mở 10 địa điểm như vậy trong năm nay.
Với những người kinh doanh nhà hàng, GoFood Festival rất thu hút bởi mức phí tham gia rất rẻ. Tất cả những gì họ họ phải làm là mang đồ ăn tới mà không cần đặt tiền trước để thuê địa điểm và Gojek sẽ được chia một phần doanh thu. Anggit Budi Setiawan và Felix Suryadi – 2 người bạn 38 tuổi cùng kinh doanh đồ ăn nói rằng doanh thu hàng tháng của họ đã tăng gấp 4 lên 300 triệu rupiah (khoảng 21.000 USD). "Mọi người biết đến thương hiệu của chúng tôi. Điều đó thật tuyệt vời".
Mô hình của GoFood Festival.
Grab đang nỗ lực đuổi theo. Khi thuyết phục được chủ cửa hàng bánh chuối ở đầu bài tham gia, GrabFood vẫn còn hoạt động bản thử nghiệm. Vậy mà sau 2 năm, ứng dụng này đã mở rộng từ 1 thành phố vào tháng 1/2018 lên 200 thành phố ở Indoneisa hiện tại. Họ cũng mở 8 bếp ăn chỉ để giao hàng.
Sự hiểu biết về cách dùng công nghệ và dữ liệu là lợi thế đẩy tăng trưởng ở mức độ phi thường của 2 startup này. Những hàng dài tài xế trong chiếc áo xanh xếp hàng bên ngoài các cửa hàng cho thấy mảng kinh doanh giao đồ ăn là một thứ gì đó rất nghiêm túc.
Jeff Perlman – Giám đốc Warburg Pincus có trụ sở tại Singapore nói rằng nhu cầu cho mảng vận chuyển đồ ăn tăng cao khi mà công ty ông quyết định đầu từ vào từ 3 năm trước.
"Chúng tôi cảm thấy rằng giao đồ ăn sẽ trở thành mảng kinh doanh tỷ đô".
Trí Thức Trẻ/Bloomberg