MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại cử tri đoàn kép trong bầu cử Mỹ

16-12-2020 - 15:11 PM | Tài chính quốc tế

Đại cử tri đoàn kép trong bầu cử Mỹ

Trước khi ông Joe Biden được chứng nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, đã có lo ngại 2 nhóm đại cử tri đối lập sẽ làm tình hình trở nên phức tạp.

Reuters cho biết tại Mỹ, một ứng cử viên sẽ trở thành tổng thống nếu giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn là giành được đa số phiếu phổ thông trên toàn quốc. Trong đó, cử tri đoàn là hệ thống phân bổ đại cử tri cho 50 bang và quận Columbia, phần lớn dựa trên dân số của mỗi bang tương ứng.

Về mặt lý thuyết, thống đốc và cơ quan lập pháp bang - trong trường hợp mỗi bên đại diện cho một đảng chính trị khác nhau - có thể làm dẫn tới tình cảnh 2 nhóm đại cử tri "đấu tay đôi".

Đại cử tri là gì?

Tổng thống Mỹ được chọn bởi 538 đại cử tri, gọi là cử tri đoàn. Các đại cử tri được phân bổ dựa trên dân số của mỗi bang. Cuộc bỏ phiếu phổ thông ở mỗi bang thường xác định ứng cử viên nào nhận được phiếu đại cử tri của bang đó.

Hiến pháp Mỹ và Đạo luật về số phiếu đại cử tri năm 1887 chi phối việc kiểm phiếu đại cử tri và những tranh chấp liên quan. Năm nay, các đại cử tri nhóm họp vào ngày 14-12-2020 để bỏ phiếu bầu tổng thống, sau đó quốc hội kiểm phiếu vào ngày 6-1-2021. Quá trình này do Phó Tổng thống Mike Pence giám sát trong vai trò chủ tịch Thượng viện.

 Đại cử tri đoàn kép trong bầu cử Mỹ  - Ảnh 1.

Ông Biden (trái) và Tổng thống Trump trong cuộc tranh luận ở bang Ohio ngày 29-9-2020. Ảnh: Reuters

Cử tri đoàn kép là gì?

Các bang thân cận với Tổng thống Donald Trump (Đảng Cộng hoà) và đối thủ Joe Biden (Đảng Dân chủ) có thể tạo ra các nhóm đại cử tri đối lập, một bên do thống đốc chứng nhận và bên còn lại của nghị viện bang.

Nguy cơ xảy ra điều này tăng cao ở một số bang chiến trường như Michigan, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, những nơi có các thống đốc của Đảng Dân chủ và các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Một số chuyên gia luật bầu cử từng lo ngại rằng số lượng phiếu bầu qua thư lớn chưa từng có và thách thức pháp lý sẽ làm trì hoãn kết quả bầu cử năm 2020 trong nhiều tuần, gây nên một khoảng thời gian bất ổn kéo dài.

Tổng thống Trump nhiều lần cáo buộc cuộc bầu cử năm 2020 xảy ra "gian lận trên diện rộng" và chỉ trích việc bỏ phiếu qua thư, vốn có xu hướng nghiêng về Đảng Dân chủ.

Trường hợp tồn tại cử tri đoàn kép, cả 2 nhóm đại cử tri sẽ họp và bỏ phiếu vào ngày 14-12-2020, sau đó kết quả tranh chấp được gửi tới quốc hội.

Nhóm đại cử tri nào sẽ chiếm ưu thế?

Cả 2 viện của quốc hội đều có thể chấp nhận cùng một nhóm đại cử tri và kết quả bầu cử sẽ ngã ngũ. Tuy nhiên, 2 viện cũng có thể chia rẽ. Điều này nhiều khả năng xảy ra nếu Đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện và Đảng Dân chủ nắm đa số Hạ viện.

GS Ned Foley tại Trường Luật Moritz, ĐH bang Ohio, nói với Reuters rằng Đạo luật về số phiếu đại cử tri năm 1887 thường được giới học thuật mô tả là "khó hiểu" và dường như ủng hộ nhóm đại cử tri do các thống đốc bang chứng nhận. Họ đưa ra một số kịch bản cho cuộc bầu cử năm nay.

Thứ nhất, ông Pence với tư cách là chủ tịch Thượng viện có thể loại bỏ cả 2 nhóm đại cử tri của một bang. Thứ hai, Hạ viện là nơi cuối cùng lựa chọn giữa ông Biden hay Tổng Thống Trump. Thứ ba, chủ tịch Hạ viện, hiện là đảng viên Dân chủ Nancy Pelosi, có thể trở thành quyền tổng thống.

 Đại cử tri đoàn kép trong bầu cử Mỹ  - Ảnh 2.

Bà Susan McFaddin, 1 trong 9 đại cử tri của bang Colorado, bỏ phiếu cho ông Biden ngày 14-12. Ảnh: AP

Tòa án Tối cao Mỹ có vào cuộc không?

Tòa án Tối cao Mỹ có thể được yêu cầu can thiệp để phá vỡ mọi bế tắc. Phán quyết của tòa này đã giúp giải quyết kết quả cuộc bầu cử năm 2000, mang lại lợi thế cho ông George W. Bush thay vì ông Al Gore. Nhưng trường hợp đó liên quan đến cuộc kiểm phiếu lại ở bang Florida và quyết định được đưa ra trước khi các đại cử tri nhóm họp để bỏ phiếu.

Giám đốc Viện Dịch vụ Công của Trường Luật Loyola, Jessica Levinson, dự đoán: "Tôi nghĩ sẽ có những thách thức pháp lý. Nhưng tôi cho rằng tòa án sẽ nói quốc hội xử lý tranh chấp tốt hơn".

Cử tri đoàn kép đã xảy ra trước đây?

Năm 1876, các đại cử tri đấu tay đôi ở 3 bang gặp bế tắc cho đến khi một thỏa thuận được đồng ý vài ngày trước lễ nhậm chức tổng thống Mỹ. Tranh chấp được giải quyết sau khi ứng viên Đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes đắc cử, đổi lấy việc rút quân Mỹ còn sót lại khỏi các bang miền Nam sau cuộc xung đột.

"Tôi mong điều đó có xác suất rất thấp nhưng năm 1876 là một lời nhắc nhở rằng nó không phải là không có khả năng xảy ra. Chúng ta suýt rơi xuống vách đá lúc đó" - GS Foley lưu ý.

Cho đến nay, cử tri đoàn kép không xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020 dù phe của Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi một số bang chiến trường chỉ định nhóm đại cử tri riêng để bầu cho ông. Tuy nhiên, yêu cầu này bị bác bỏ.

Theo Phạm Nghĩa

NLĐ

Trở lên trên