Đại dịch có thể gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu
Đại dịch coronavirus toàn cầu có nguy cơ tạo nên một cú sốc lớn đối với nền thương mại lương thực-thực phẩm quốc tế và gây ra khủng hoảng lương thực mới, quan chức nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc nói hôm thứ Hai.
- 31-03-2020Thủ tướng yêu cầu bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân
- 27-03-2020An ninh lương thực thế giới có thực sự đáng báo động?
- 26-03-2020Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN: “Không có chuyện Việt Nam thiếu gạo“
Nhận định này được đưa ra trong lúc coronavirus bùng phát làm gián đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu, sau khi một số quốc gia hạn chế xuất khẩu các loại ngũ cốc chính và tăng mua dự trữ.
“Dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu đã tạo ra sự bất ổn lớn trên thị trường và thương mại nông nghiệp quốc tế”, Vu Khang Chấn, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc được Reuters dẫn lời.
“Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và leo thang, tác động đối với thương mại và sản xuất lương thực quốc tế chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn và có thể gây ra một đợt khủng hoảng lương thực mới”, ông Vu nói trong một cuộc họp trực tuyến về triển vọng nông nghiệp của Trung Quốc.
Đại dịch và các biện pháp mà một số quốc gia áp dụng để đảm bảo nguồn cung trong nước đã ức chế thương mại và nguồn cung thông thường, gây ra một số biến động lớn về giá, thứ trưởng Vu nói thêm.
Đại dịch coronavirus, bắt đầu ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm ngoái, đã lây nhiễm đối với 2,3 triệu người và làm thiệt mạng 159.000 người trên toàn thế giới.
Việc phong tỏa và kiểm dịch nghiêm ngặt để kiểm soát dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực-thực phẩm của Trung Quốc và khiến nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đủ công nhân, gây ra các khó khăn trong sản xuất chăn nuôi gia cầm và lợn ở thị trường thịt hàng đầu thế giới.
Mặc dù Trung Quốc có đủ ngũ cốc để đáp ứng nhu cầu trong nước, một số sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc nhập khẩu khác như đậu nành và dầu ăn có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu, ông Vu nói.
“Xuất khẩu thủy sản, rau và trà sẽ bị ảnh hưởng do đại dịch, vị thứ trưởng nông nghiệp nói thêm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Hàn Trường Phú loại trừ khả năng có một cuộc khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc, nói rằng họ tự tin vào khả năng đảm bảo nguồn cung cấp ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp lớn khác.
Trong khi tốc độ lây truyền virus trong nước đã chậm lại, Trung Quốc đang tập trung vào việc chống lây nhiễm từ nước ngoài khi đang có gia tăng lây lan ở phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh giáp biên giới Nga.
“Nguy cơ coronavirus từ bên ngoài vẫn còn rất lớn và sẽ gây áp lực đáng kể cho sản xuất chăn nuôi”, ông Vu nói.
Trung Quốc, đang phải chiến đấu với dịch tả lợn châu Phi, đã chứng kiến đàn lợn của cả nước giảm ít nhất 40% trong khi dịch bệnh này vẫn tiếp diễn. Nước này báo cáo có thêm 13 ổ dịch tả lợn châu Phi kể từ tháng Ba.
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi đã tăng đáng kể, do người dân phục hồi đàn lợn, nhiều con giống được vận chuyển, ông Vu nói.
Nông dân Trung Quốc, bị thu hút bởi lợi nhuận tốt và một loạt các chính sách khuyến khích của chính phủ, đã tìm cách nhanh chóng phục hồi đàn lợn.
Tiền phong