Đại diện Bộ Tài Chính: Siêu ủy ban theo mô hình doanh nghiệp sẽ 'vẹn cả đôi đường', nhưng làm sao để các 'ông to' Điện, Than...chịu bị quản lý?
Mô hình doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tập trung vào những mục tiêu mà Nhà nước quan tâm. Đồng thời, các Bộ cũng sẽ ‘rảnh tay’ để thực hiện chức năng của mình là công việc giám sát quản lý tốt hơn.
- 06-04-2017SCIC có thể thành “siêu ủy ban” quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
- 04-02-2017Trình đề án lập 'siêu ủy ban' quản vốn nhà nước
Vừa qua, hội thảo “Mô hình quả lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong buổi hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm của mình về Siêu Ủy Ban cũng như một mô hình hợp lý mà tổ chức này có thể tồn tại.
Hiện đang có 2 mô hình được cân nhắc.
Mô hình 1: Cơ quan chuyên trách là cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, sẽ thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Mô hình 2: Cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp. Theo đó, thành lập một DNNN làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp SCIC, giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
2 mục tiêu mà Chính phủ đạt được
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài Chính Doanh Nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng trước hết, một Siêu Ủy Ban được ra đời là điều cần thiết ngay lúc này.
Theo vị này, dù là theo mô hình nào, Siêu Ủy Ban này cũng sẽ và cần đạt được 2 mục tiêu, cũng vốn là 2 bất cập về quản lý vốn Nhà nước đang hiện hữu. Ông Tiến nói:
“Thứ nhất, đó là tách được chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sở hữu nhà nước. Các bộ trưởng, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính chúng tôi sẽ được chuyên tâm hơn trong việc nghiên cứu, ban hành thực thi chính sách, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, đảm bảo được quyền lợi bình đẳng của các doanh nghiệp…
Vấn đề thứ hai là tách được quản lý hành chính và quản trị doanh nghiệp tại các nơi có vốn Nhà nước. Đây là hai mục tiêu mà cả Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm”.
Từ trước đến nay, chúng ta đã thử nhiều cách để quản lý vốn Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó thì các mô hình đều đã bộc lộ điểm yếu của mình. Học từ những thất bại này, yêu cầu đặt ra với Siêu Ủy Ban là phải làm sao để quản lý vốn Nhà nước mà không làm tăng các đầu mối, không tăng các thủ tục hành chính để doanh nghiệp không phải xin cho, không tăng chi ngân sách…
Một doanh nghiệp quản lý vốn sẽ thực hiện tốt nhất mục tiêu 'rút' vốn Nhà nước khỏi nền kinh tế
Khi được hỏi một mô hình theo kiểu Ủy ban trực tiếp trực thuộc Chính phủ hay một doanh nghiệp thì sẽ hiệu quả hơn, hầu hết các chuyên gia đều nghiên về phương án số 2.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài Chính Doanh Nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính thì mô hình Ủy ban trực thuộc Nhà nước cũng như một doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng của mình.
“Tuy nhiên người ta cho rằng mô hình doanh nghiệp là tốt nhất, bởi vì doanh nghiệp sẽ lời ăn lỗ chịu, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước”. Nhìn từ con mắt của Bộ Tài chính, ông Tiến cũng ủng hộ mô hình doanh nghiệp do nó “tách bạch quản lý và hành chính. Bộ Tài chính chúng tôi không vướng víu gì về hành chính thì có thể làm tốt hơn mặt hành chính”.
Trao đổi ngoài lề với chúng tôi, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cũng thể hiện quan điểm nghiêng về mô hình doanh nghiệp, bởi lẽ “mô hình này phù hợp với tính chất, đặc điểm và yêu cầu của kinh tế thị trường, xóa được can thiệp hành chính vào quản lý vốn Nhà nước”.
Điều quan trọng hơn, khi so sánh giữa 2 mô hình đang được bàn thảo thì rõ ràng một Ủy ban Nhà Nước – mô hình chẳng khác nào một cơ quan chủ quản quản lý vốn Nhà nước vốn vẫn tồn tại từ trước đến nay – thể hiện nhiều bất cập so với một doanh nghiệp.
“Đồng thời, một doanh nghiệp xóa bỏ được điều lâu nay mà chúng ta vẫn nói là mô hình cơ quan chủ quản. Nếu vẫn còn mô hình cơ quan Nhà nước (như phương án Ủy ban Nhà nước – PV) thì nó vẫn còn mang tính chất chủ quản”.
Một vấn đề về quản lý vốn Nhà nước được vị Thứ trưởng đề cập đến là tuy theo chủ trương thì đầu tư của khu vực Nhà nước trong nền kinh tế cần phải giảm, qua đó để dành khoảng trống cho các khu vực kinh tế khác thì thực tế, các báo cáo đều chỉ ra rằng vốn đầu tư, giá trị tài sản Nhà nước lại càng tăng lên.
Ông Nghiệp nhận định “các doanh nghiệp Nhà nước và có vốn đầu tư Nhà nước đầu tư chiếm một tỷ trong lớn trong các yếu tổ đầu vào, khoảng 60%. Tỷ trọng nhóm doanh nghiệp này trong nền kinh này lên đến trên 30% GDP cũng là lớn”.
Như vậy, điều quan trọng đối với quản lý vốn Nhà nước lúc này là làm sao để vốn được thoái khỏi nền kinh tế một cách mạnh mẽ, chứ không phải việc hướng tới mục tiêu hàng năm xem có bao nhiêu doanh nghiệp được cổ phần hòa. Điều đặc biệt, theo vị Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính thì chỉ có mô hình doanh nghiệp mới có thể thực hiện tốt mục tiêu trên.
Bài toán vị thế: Làm sao mà các 'ông to' điện, than cho một doanh nghiệp quản lý ?
Mô hình doanh nghiệp hứa hẹn sẽ tập trung vào những mục tiêu mà Nhà nước quan tâm. Đồng thời, các Bộ cũng sẽ ‘rảnh tay’ để thực hiện chức năng của mình là công việc giám sát quản lý tốt hơn.
Tuy nhiên, so với một Ủy ban Nhà nước, nhược điểm lớn nhất của một doanh nghiệp theo như ông Đặng Quyết Tiến phân tích chính là vị thế của doanh nghiệp đó trong vai trò quản lý các tổng công ty, tập đoàn khổng lồ của Nhà nước.
“Nhược điểm lớn nhất của doanh nghiệp là vị thế của nó. Từ trước đến nay, ta chưa quen với việc quản lý vốn tại các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn điện, than là do doanh nghiệp quản lý. Tư duy cũ là điện ,than lớn nhà vậy phải do Nhà nước quản lý, một doanh nghiệp chưa đủ vị thế” – ông Tiến nói.
Từ đó, theo vị Phó Cục Trưởng thì các doanh nghiệp lớn như các Tập đoàn điện, than nói trên cần có một tư duy mới: “Anh đã nắm giữ vốn Nhà nước thì anh sẽ bình đẳng như các doanh nghiệp khác là bị quản lý, không kể là một Ủy ban Nhà nước hay doanh nghiệp”. Điều quan trọng nhất là mô hình doanh nghiệp chứng minh được hiệu quả của mình và các bên doanh nghiệp, người quản lý rất cần có sự hợp tác tốt với nhau.
Trí thức trẻ