MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại diện Gemadept: Giá cước vận tải biển sẽ tiếp đà tăng và có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021

Đại diện Gemadept: Giá cước vận tải biển sẽ tiếp đà tăng và có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021

"Ngay cả khi giá cước hạ nhiệt trở lại thì mặt bằng giá mới cũng sẽ cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid -19. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp khai thác cảng và logistics sẽ đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay", đại diện Gemadept nhấm mạnh.

Dịch Covid-19 diễn biến khó lường và lan rộng ra toàn cầu, đặt cộng đồng doanh nghiệp thế giới và Việt Nam trước những nguy cơ khó lường, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động của việc phong tỏa, giãn cách xã hội. Trong đó, vận tải đường biển thiếu hụt container rỗng phục vụ xuất khẩu, giá cước vận tải tăng; việc vận chuyển hàng hóa đi/đến giữa các cảng/khu vực, quốc gia… gặp khó khăn đẩy giá cước liên tục tăng nóng.

Thực tế, giá cước tính đến thời điểm tháng 7/2021 đã tăng gấp hơn 7-8 lần, thậm chí hơn 10 lần so với thời điểm tháng 1/2020, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và theo các chuyên gia dự báo, giá cước vận tải biển quốc tế sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Điều này tạo động lực giúp các mã cảng biển tăng nóng từ đầu năm, thanh khoản đột biến. Chốt phiên 9/8/2021, cổ phiếu VNA (Vinaship) kịch trần tại mức 30.500 đồng/cp – cao gấp hơn 6 lần so với mức giá hồi đầu tháng 6. Không kém cạnh, HAH của Hải An cũng tăng phi mã, từ mức 17.000 đồng/cp hồi đầu năm lên 55.600 đồng/cp.

Các mã khác như STG (Sotrans), VOS (Vosco)… cũng tăng mạnh và đồng loạt kịch trần trong phiên đầu tuần (9/8/2021), giữa bối cảnh giá cước biển leo thang lên đỉnh cao mới.

Đại diện Gemadept: Giá cước vận tải biển sẽ tiếp đà tăng và có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021 - Ảnh 1.

Giá cước tăng phi mã đưa tỷ suất lợi nhuận của hãng tàu đạt đỉnh 10 năm

"Với sự gia tăng phi mã của giá cước, các hãng tàu, đặc biệt là hãng tàu ngoài đều có lợi nhuận rất lớn trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT margin) của các hãng tàu đã đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây", đại diện Gemadept (GMD) trao đổi.

Nguyên nhân theo vị này, do các hãng vận tải biển đang nắm quyền quyết định giá lớn hơn so với các chủ hàng/khách hàng xuất nhập khẩu của các hãng vận tải biển và do đó, họ đang quản lý công suất vận tải biển theo hướng tận dụng quyền kiểm soát giá này.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng tác động như cầu tăng khi một số nước khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, trong khi khả năng cung ứng dịch vụ bị ảnh hưởng, tắc nghẽn tại cảng Yantain, kẹt tàu tại kênh đào Suez... dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng.

Đặc biệt, việc tắc nghẽn cảng biển nghiêm trọng tại Yantian (miền Nam Trung Quốc) là một trong những ví dụ điển hình của tác động từ Covid-19. Đây là một trong những cảng chuyển tải chính của khu vực, cảng tắc nghẽn khiến lịch tàu của toàn bộ hàng trung chuyển trên các tuyến chính bị xô lệch nghiêm trọng, các hãng tàu lớn phải điều chỉnh lại lịch tàu, cơ cấu lại tuyến chuyến… Hệ quả, chi phí logistics phát sinh tăng thêm đáng kể do kẹt cầu bến, kho bãi.

Ngoài ra, sự chênh lệch trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh và phục hồi sản xuất giữa 2 khu vực Thái Bình Dương và khu vực Mỹ, EU cũng dẫn tới hiện tượng lệch cán cân thương mại.

Giá cước có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021

Dự báo về cơ hội của ngành đến cuối năm, đại diện Gemadept dẫn chứng từ báo cáo Chỉ số Logistics (LPI) thị trường mới nổi, cho thấy Việt Nam vào top 10 quốc gia đứng đầu và vươn lên đứng thứ 3 về chỉ số này trong số các nước ASEAN. Hội nhập kinh tế sâu rộng và việc thực thi các FTA mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng hơn nữa cho ngành logistics của Việt Nam.

Trong năm 2021, ngành logistics cần tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu là: tài chính, hoạt động kinh doanh và nhân lực.

Về giá cước, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo giá cước sẽ tiếp tục tăng cao cho đến khi thế giới khống chế được dịch. Giá cước có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022 và hạ nhiệt đáng kể vào năm 2023.

"Ngay cả khi giá cước hạ nhiệt trở lại thì mặt bằng giá mới cũng sẽ cao hơn so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid -19. Do đó, vai trò của các doanh nghiệp khai thác cảng và logistics sẽ đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay", vị này nhấm mạnh.

Đại diện Gemadept: Giá cước vận tải biển sẽ tiếp đà tăng và có thể đạt đỉnh vào quý 4/2021 - Ảnh 2.

Riêng Gemadept, là công ty sở hữu hệ sinh thái tích hợp cảng - logistics lớn tại Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn diện, ban lãnh đạo nhận thấy triển vọng tích cực từ phục hồi thương mại toàn cầu và nhu cầu giao thương hàng hóa tăng cao sau đại dịch sẽ góp phần tăng trưởng sản lượng thông quan cảng biển.

Dự báo, 6 tháng cuối năm là mùa cao điểm của ngành cảng và logistics của Gemadept khi (i) việc ký kết thêm hợp đồng với các hãng tàu; song song (ii) Việt Nam được sự báo sẽ cơ bản khống chế được dịch trong tháng 8, vì vậy kinh tế kỳ vọng sẽ hồi phục và phát triển mạnh từ tháng 9 trở đi.

Mục tiêu cho giai đoạn 2021 – 2025, Gemadept chủ trương duy trì tăng trưởng ở mức hai con số để đảm bảo đến năm 2025, Công ty tăng trưởng lợi nhuận gấp 3 lần so với thực hiện của năm 2020.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên