Đại diện ngân hàng ANZ: "Các quốc gia Đông Nam Á nếu đi một mình sẽ tự chuốc lấy thất bại"
Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại ngân hàng ANZ, ông Khoon Goh nhấn mạnh chính phủ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phối hợp tốt hơn nữa và hội nhập chặt chẽ hơn nữa nhằm đẩy mạnh phát triển trong bối cảnh hậu Covid-19, tránh tình trạng phục hồi yếu và kéo dài thời gian phục hồi.
- 11-09-2020Nhóm ngành nào sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới?
- 11-09-2020The ASEAN Post: Các chuyên gia tin tưởng vào khả năng dập dịch của Việt Nam
- 11-09-2020Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ?
Đáng chú ý, ông cho rằng các quốc gia Đông Nam Á cần phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực như du lịch, cơ sở hạ tầng y tế khu vực và chuỗi cung ứng.
Theo ông Khoon Goh, việc hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt giữa các nước thành viên kém phát triển trong khu vực là một khoản đầu tư có lợi trong dài hạn. Bên cạnh đó, du lịch giữa các quốc gia trong ASEAN không thể "cất cánh" trừ khi các nước kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh.
Đại diện ngân hàng ANZ chỉ rõ, sự hợp tác chặt chẽ trong các chuỗi dịch chuyển cung ứng tại khu vực sẽ mang lại kết quả tốt hơn thay vì cạnh tranh giữa các nước. Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ giảm tới 40% vào năm 2020, sau đó tăng lên 10% vào năm 2021.
Ông Khoon Goh khẳng định ngoài việc mỗi quốc gia phải tự cố gắng thu hút càng nhiều vốn FDI càng tốt, ASEAN cũng cần phải hợp tác để biến khu vực trở thành một điểm hấp dẫn nói chung. Lý giải về điều này, ông cho rằng ASEAN là một môi trường có khả năng cao phục hồi chuỗi cung ứng, đồng thời nguồn cung được đảm bảo hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
Việc đặt ra các tiêu chuẩn và quy định nhằm bảo đảm sự hợp tác hài hoà sẽ dẫn đến việc phân bổ vốn tốt hơn thay vì việc các doanh nghiệp đa quốc gia thu được lợi nhuận từ chênh lệch giá lớn trong khu vực.
Nguy cơ về khủng hoảng thanh khoản trong khu vực
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà hoạch định chính sách đã nhanh chóng đưa ra các hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ cho nền kinh tế. Đồng thời, các biện pháp kích thích lớn do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cung cấp đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường tài chính của khu vực.
Cam kết nới lỏng định lượng không giới hạn và thiết lập một cơ sở mới đã giúp đảm bảo đủ thanh khoản cho các thị trường mới nổi. Đây là lý do Đông Nam Á không phải đối mặt với khủng hoảng tài chính vào thời điểm này.
Nới lỏng định lượng (QE) là việc ngân hàng trung ưng tăng thanh khoản và lạm phát, nhằm kích thích nền kinh tế của một quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp và người tiêu dùng vay và chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Khoon Goh đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng thanh khoản sẽ xảy ra trong tương lai. Đáng chú ý, nếu nền kinh tế không phục hồi hoàn toàn trước khi các chính sách hỗ trợ của chính phủ hết hiệu lực, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động sẽ tăng đáng kể, dẫn đến tỷ lệ mất việc làm cao đột biến.
Ông Khoon Goh nhận định rằng khả năng cao nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một cuộc suy giảm tồi tệ nhất trong tương lai gần. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đã nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại. Chỉ số quản lý thu mua PMI trong khu vực cũng đang có xu hướng phục hồi.
Về đối ngoại, thương mại toàn cầu đang bắt đầu cải thiện sau đợt sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm. Điều này sẽ được phản ánh cụ thể trong số liệu về xuất khẩu của ASEAN trong những tháng tới.
Mặc dù vậy, ông Khoon Goh nhận xét "con đường" phục hồi kinh tế sẽ rất "gập ghềnh", do một số quốc gia đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh bùng phát lần thứ hai, thậm chí là thứ ba. Điển hình như ở Philippines và Indonesia, tình hình lây lan dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Theo ước tính của ANZ Research, GDP thực tế của ASEAN sẽ chỉ phục hồi về mức trước giai đoạn đại dịch Covid-19 sớm nhất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn chính phủ các quốc gia đều đang áp dụng cách tiếp cận đơn phương để ứng phó với đại dịch, do thiếu sự lãnh đạo toàn cầu giữa các nền kinh tế lớn.
Thêm vào đó, do những gánh nặng về chi phí khi đối phó với dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ công ở nhiều nước đang ở mức cao chưa từng có. Do vậy, nếu chính phủ các nước không đưa ra một kế hoạch trung hạn đáng tin cậy để khẳng định lại vị thế, họ có nguy cơ sẽ mất đi sự hỗ trợ từ các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và các nhà đầu tư.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cam kết giữ lãi suất thấp trong thời gian dài mang lại nhiều cơ hội cho ASEAN. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thích ứng của Hoa Kỳ đã gây thêm áp lực lên đồng đô la Mỹ, dẫn đến việc tăng cường tiền tệ trong ASEAN, làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của khu vực.
Ngoài ra, lãi suất thấp trong thời gian dài cũng có nguy cơ làm tăng giá tài sản, gây rủi ro về ổn định tài chính. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phải kiểm soát vấn đề này trong tình hình rủi ro thanh khoản cao như hiện nay.
Căng thẳng thương mại Mỹ Trung đã làm các chuyên gia lo ngại về mục tiêu toàn cầu hóa của nhiều quốc gia. Ông Khoon Goh nêu rõ, việc các quốc gia "đi một mình" là tự chuốc lấy thất bại. Một quốc gia không thể phát triển khi các nước láng giềng vẫn chưa ngăn chặn được dịch bệnh. Vậy nên cần phải đảm bảo đại dịch được ngăn chặn ở khắp mọi nơi.
Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể về cấu trúc khu vực. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đã áp dụng các biện pháp đơn phương để ứng phó với đại dịch và cuộc suy thoái kinh tế. Tuy vậy, các nước cần phối hợp và hội nhập chặt chẽ hơn nữa để không chỉ phục hồi mà còn phát triển kinh tế.
Việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay sẽ là một dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định ASEAN vẫn cam kết với chủ nghĩa đa phương, đồng thời chứng minh triển vọng phục hồi trong khu vực.
Cuối cùng, ông Khoon Goh kết luận: "Hơn bao giờ hết, trong một thế giới hậu Covid-19, ASEAN đã sẵn sàng để trở nên lớn mạnh hơn".
Trí Thức Trẻ