Đại diện Sika: VLXD xanh chỉ tốn thêm 5% chi phí nhưng lợi nhuận mang về cho chủ đầu tư thì rất nhiều
Không chỉ hướng đến bảo vệ môi trường, (ESG) còn là chỉ tiêu quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư và thâm nhập vào cuộc chơi toàn cầu ngày nay.
Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng đồng thời là thử thách mới của doanh nghiệp Việt Nam trong hầu hết lĩnh vực, bao gồm xây dựng. Không chỉ hướng đến bảo vệ môi trường, (ESG) còn là chỉ tiêu quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư và thâm nhập vào cuộc chơi toàn cầu ngày nay.
Theo thông tin từ Bộ Xây Dựng, nửa đầu năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Trong khi đó, số lượng công trình xanh của Việt Nam hơn 10 năm qua hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Số liệu thống kê từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng cho thấy, lượng CO2 trong khí quyển đã vượt mốc 400 ppm vào năm 2015 và chỉ 5 năm sau đó, đã vượt ngưỡng 413 ppm, không ngừng tăng lên theo từng năm. Trước tình hình đó, COP26 đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải về bằng “0” vào năm 2050 và kêu gọi thế giới hướng đến các sản phẩm, giải pháp xanh giúp ngăn ngừa cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Năm 2022, những khó khăn, thách thức ngày càng lớn, đặt ra áp lực không nhỏ về yêu cầu hài hòa giữa việc phát triển trong mọi lĩnh vực nói chung và bảo vệ môi trường. Do đó, những sản phẩm có tính bền vững luôn được ưa chuộng và mang lại nhiều giá trị hơn so với những sản phẩm thông thường.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp ngoại sớm tham gia thị trường Việt Nam, đại diện Sika cho biết: “Tôi đã từng sống và làm việc nhiều nơi tại Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia... Nhìn vào Việt Nam, tôi nhận thấy đây là một thị trường vô cùng tiềm năng và thích ứng nhanh chóng với xu hướng chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh. Cùng với sự đồng hành của Chính phủ, Việt Nam đang không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu về chỉ số xanh”.
Nói đi cũng phải nói lại, so với những nước khác trong khu vực thì Việt Nam có tổng số dự án xanh thấp hơn, nhưng tỷ lệ tăng trưởng lại cao hơn và đang không ngừng tăng lên. Như trao đổi với các chuyên gia tư vấn và xây dựng công trình xanh tại thị trường Việt Nam, chi phí đầu tư cho các công trình xanh cao hơn khoảng 5% so với các công trình không đầu tư xanh và bền vững. Tuy nhiên về mặt lợi ích, lợi nhuận đạt được khi họ vận hành công trình đó lớn hơn rất nhiều so với con số 5% đó.
Cụ thể, chủ đầu tư có thể bán được sản phẩm công trình xanh với giá cao hơn và nhanh thu hồi vốn hơn so với những sản phẩm không được đầu tư với những chỉ tiêu tương tự. Đã có nhiều con số thống kê từ các thương hiệu vận hành bất động sản lớn như Savills, CBRE... xác minh thông số này.
Ngoài ra, việc đầu tư công trình xanh không chỉ là câu chuyện về lợi nhuận, mà tại các quốc gia dẫn trước xu hướng này, như Hongkong, Singapore, Thái Lan, đó chính là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm để lại môi trường sống bền vững cho thế hệ sau.
“Tại Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta sẽ nhanh chóng bắt kịp xu hướng này!”, vị này nhấn mạnh. Về phía Sika, Công ty cho biết không ngoài cuộc và đang tăng tốc phát triển điện gió, nhiệt năng một cách có chiến lược, song song với việc chuyển đổi sản phẩm VLXD theo hướng xanh hơn. Đơn cử, giải pháp sàn mái xanh giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng lên đến 15%, vật liệu thay thế cát và xi măng thông qua sử dụng cát cũ tái chế từ đá thủ công hay đá granite cùng một số sản phẩm phụ để thay thế cát tự nhiên…
Công ty đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ này từ 15% đến 30% cho đến năm 2050 để tích hợp vào các giải pháp của chúng tôi cho từng khu vực. Theo Sika, nếu trong quá khứ, người dùng đã không chú trọng và phát triển các sản phẩm tái chế do chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững. Song hiện nay, tình trạng này đã được giải quyết rất tốt. Có rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau đã bắt đầu chú trọng và xem xét phát triển các giải pháp tái chế, sản phẩm xanh, phát triển bền vững và vẫn đang được thực hiện rất tốt.
Nhịp sống thị trường